Cơ cấu lại nền kinh tế: Cần đột phá chính sách để khơi thông nguồn lực
Việc đột phá chính sách để khơi thông được nguồn lực khu vực tư sẽ là đột phá then chốt nhất cho cả kế hoạch năm sau và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới.
Chiến lược phục hồi kinh tế cùng Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng gấp đôi năm nay đang được xây dựng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp.
Trong khi ngân sách vẫn phải dồn cho phòng chống dịch COVID-19, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc đột phá chính sách để khơi thông được nguồn lực khu vực tư sẽ là đột phá then chốt nhất cho cả kế hoạch năm sau và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới.
“Hiện nay, đã có chủ trương nguồn lực công dẫn dắt, khơi thông để thu hút các nguồn lực tư nhân. Chủ trương là thế, nhưng thực hiện vẫn bí, không thực sự mạnh mẽ. Chẳng hạn, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ra đời với mong muốn để khơi thông các nguồn lực đầu tư của tư nhân vào cả hạ tầng kinh tế - xã hội, nhưng các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà.
Điều này cho thấy các chính sách đó chưa thực sự hiệu quả, thông thoáng. Muốn khơi thông được các nguồn lực tư, thì sự hỗ trợ của Nhà nước, sự phối hợp của đầu tư công phải mạnh hơn, cụ thể là sự tham gia của vốn nhà nước trong đó phải nhiều hơn. Đối với các nhà đầu tư tư nhân, quan trọng nhất là vấn đề hiệu quả, là tỷ suất lợi nhuận đầu tư thu về so với những lĩnh vực khác. Nếu tỷ suất lợi nhuận đầu tư ở lĩnh vực khác cao hơn, thì họ sẽ đầu tư vào những lĩnh vực khác”, ông Lâm nói.
Với những lập luận trên, ông Lâm cho rằng chính sách của Nhà nước trong việc dẫn dắt đầu tư tư phải thực sự hấp dẫn, để thu hút được đầu tư tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế.
“Một ví dụ đơn giản, theo đánh giá của các chuyên gia, với nguồn lực ngoại tệ của kiều bào hàng năm đổ về trong nước, chỉ có khoảng một nửa vào ngân hàng, sau đó quay trở ra đầu tư cho nền kinh tế. Nửa còn lại nằm trong két sắt của người dân. Làm sao để huy động được thì phải có chính sách thật mạnh mẽ.
Có thể huy động trái phiếu mua bằng ngoại tệ của người dân vì hiện gửi ngân hàng lãi suất 0%, nên người dân không gửi. Nếu bây giờ có thể cho phép người dân mua trái phiếu của Chính phủ hay trái phiếu của doanh nghiệp bằng ngoại tệ, thì nguồn lực ngoại tệ lập tức được huy động. Khi có những chính sách như thế, mới có thể tạo ra được xung lực mới, huy động được các nguồn lực cho nền kinh tế”, ông Lâm lấy ví dụ.
Có thể bạn quan tâm
Phục hồi kinh tế: Chính sách tài khóa yểm trợ cho chính sách tiền tệ
04:10, 09/11/2021
Tăng điều tiết ngân sách để địa phương phục hồi kinh tế
15:56, 08/11/2021
Nguồn lực nào cho chương trình phục hồi kinh tế?
20:29, 06/11/2021