Cải cách thể chế: Cần “làm mới” động lực cũ
Theo các chuyên gia, động lực cải cách chưa tạo đột phá lớn để giúp nền kinh tế bứt phá.
>>> EVFTA và động lực cải cách thể chế
Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh cho rằng đã đến lúc phải gắn cải cách với các giải pháp phục hồi kinh tế để tạo ra "cỗ máy" đẩy nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả hơn.
Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thời gian qua, bà Trang đánh giá, các chính sách này chưa được hiệu quả như mong đợi.
“Đã đến lúc chúng ta cần làm mới những động lực cũ để quá trình cải cách thể chế thúc đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh”, bà Trang nhấn mạnh.
Về vấn đề này, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, việc đẩy mạnh cải cách về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có thể giúp phát huy được sức mạnh toàn dân, không để nền kinh tế Việt Nam lỡ nhịp so với tiến trình phục hồi của thế giới.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh Việt Nam hiện đã có đầy đủ chiến lược về cải cách tổng thể nền kinh tế, gồm cải cách thể chế, cấu trúc kinh tế, đổi mới sáng tạo, tận dụng hội nhập, dịch chuyển chuỗi cung ứng...
Thế nhưng, hầu như các chính sách vẫn còn nằm trên bàn giấy. Nhiệm vụ cấp bách là cần đi sâu vào từng chiến lược để tìm ra được những động lực mới.
“Cần tập trung xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường nhân tố sản xuất, thị trường đất đai, thị trường vốn, lao động và công nghệ... Đây chính là những nguồn lực truyền thống song cần khung pháp lý mới để khai thác được nguồn lực đó. Chúng ta cũng cần những thể chế đột phá và vượt trội như phát triển kinh tế gắn với những đề án lớn, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính…”, ông Lực nêu rõ.
Trung tâm của chương trình phải là phát triển doanh nghiệp với nhiệm vụ cải tổ tập đoàn nhà nước và thúc đẩy phát triển tập đoàn tư nhân, hộ kinh doanh. Ngoài ra, các chính sách cần hướng tới tận dụng cơ hội từ năng lực hội nhập sâu rộng của quốc gia, đặc biệt là cơ hội từ thương mại, đầu tư nước ngoài, liên kết chuỗi...
Ở góc độ hội nhập, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng các cam kết về thuế của Việt Nam trong các FTA là rất lớn. Vì vậy, không chỉ Việt Nam mở cửa doanh nghiệp ngoại mà chúng ta cần chủ động có những thay đổi ở tầm quốc gia để tạo lực đẩy cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư.
“Chừng nào thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra sau thông quan còn phức tạp, chừng đó chúng ta còn chưa theo kịp với các quốc gia trong khu vực. Các cơ hội mà các FTA được chúng ta ký kết sẽ bị bỏ lỡ. Do đó, cần phải đẩy nhanh việc thực hiện cải cách trong lĩnh vực này với chiến lược, tiêu chí và lộ trình thực hiện bài bản. Chúng ta đã từng có động lực thực hiện, giờ phải tiếp tục những động lực này cho giai đoạn phục hồi kinh tế sắp tới”, bà Trang nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (Bài 12): Tiềm năng từ cải cách thể chế
04:00, 16/10/2021
Động lực chính cho cải cách thể chế tài chính
11:10, 14/10/2021
Cải cách thể chế chính là "gói hỗ trợ" còn dư địa lớn nhất
09:56, 27/09/2021
Dấu ấn của Chính phủ về cải cách thể chế và chính phủ điện tử mở
10:35, 26/03/2021