Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế

GIA NGUYỄN 20/11/2021 04:15

Không chỉ xác định ưu tiên cao nhất cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, với các đề nghị xây dựng Luật (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm…

>> Cải cách thể chế: Cần “làm mới” động lực cũ

Song song với việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quan điểm người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của mọi chính sách, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển – Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 18/11/2021 vừa qua.

Thủ tướng chỉ đạo lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế - Ảnh: VGP

Thủ tướng chỉ đạo lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế - Ảnh: VGP

Đặc biệt, tại phiên họp này, Chính phủ cũng đã thảo luận về các đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính xây dựng; Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) do Bộ Y tế xây dựng; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng; Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Bộ Nội vụ xây dựng; Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) do Ngân hàng Nhà nước xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.

Những Luật được đề nghị xây dựng (sửa đổi) lần này được cho sẽ tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế trong các lĩnh vực được coi là “điểm nóng”, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm; kịp thời ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: an sinh xã hội, tài chính, hợp tác công – tư,…

Thực tế, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không gì khác ngoài hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát bằng hệ thống pháp luật; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

tại phiên họp này, Chính phủ cũng đã thảo luận về các đề nghị xây dựng nhiều Luật (sửa đổi) - Ảnh: VGP

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng đã thảo luận về các đề nghị xây dựng nhiều Luật (sửa đổi) - Ảnh: VGP

Tại phiên họp, bên cạnh nhấn mạnh về việc, cần dành ưu tiên cao nhất cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để phục vụ 3 khâu đột phá chiến lược, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng một lần nữa quán triệt yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường công khai, minh bạch, khắc phục được các hạn chế, bất cập, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ưu tiên bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ trưởng khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót vấn đề, để khoảng trống pháp lý giữa các luật.

>> Vai trò thể chế phụ thuộc vào chất lượng pháp luật

Quá trình thiết kế chính sách, pháp luật, cần giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, đẩy hợp tác công tư trên nền tảng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế… Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính

“Bám sát, tiếp thu các ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, chú trọng tổng kết thực hiện các quy định trước đây, đánh giá kỹ tác động của các đề xuất chính sách mới, chú trọng việc lấy ý kiến các đối tượng tác động và các chuyên gia, nhà khoa học để cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ, chính sách sát thực tiễn, phù hợp với tình hình đất nước, khắc phục, hạn chế tối đa các bất cập, yếu kém, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do quy định chưa phù hợp thực tiễn… theo tinh thần có kế thừa, đổi mới và phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, về từng đề nghị xây dựng Luật (sửa đổi), Thủ tướng cũng có những chỉ đạo chi tiết, thống nhất quan điểm trong xây dựng và hoàn thiện thể chế như:

Về đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm tính linh hoạt, cơ động theo cơ chế thị trường, xử lý hài hòa, hợp lý quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, phù hợp tình hình thực tiễn…

Về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu phân tích kỹ thêm tác động của các chính sách trên cơ sở bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn…

Luật Phòng chống rửa tiền là một trong những Luật được đề nghị xây dựng Luật (sửa đổi) - Ảnh minh họa

Luật Phòng chống rửa tiền là một trong những Luật được đề nghị xây dựng Luật (sửa đổi) - Ảnh minh họa

Về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đối với người lao động; quán triệt, bám sát các quan điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 28 của Trung ương khoá XII…

Hay như về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử, Thủ tướng lưu ý, một số vấn đề như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quy định hiện hành, xử lý các khoảng trống pháp lý; các vấn đề liên quan an ninh mạng, hoàn chỉnh và chia sẻ cơ sở dữ liệu, quản lý các nền tảng số, trong đó có các nền tảng số của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam…

Và về đề nghị xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, có các công cụ phù hợp, hiệu quả để phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực có thể phát sinh…

Ngoài ra về đề nghị xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lấy ý kiến các đối tượng liên quan và tham khảo kinh nghiệm, pháp luật của các nước; hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực, thất thoát tài sản…

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ ưu tiên cao nhất cho xây dựng và hoàn thiện thể chế

    Chính phủ ưu tiên cao nhất cho xây dựng và hoàn thiện thể chế

    21:11, 18/11/2021

  • Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: COVID-19 là động lực đột phá hoàn thiện thể chế

    Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: COVID-19 là động lực đột phá hoàn thiện thể chế

    09:23, 26/10/2021

  • Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Lấy COVID-19 là động lực đột phá hoàn thiện thể chế

    Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Lấy COVID-19 là động lực đột phá hoàn thiện thể chế

    14:30, 07/10/2021

  • DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (BÀI 10): Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

    DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH 2021-2025 (BÀI 10): Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

    04:00, 09/09/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật

    22:09, 29/06/2021

GIA NGUYỄN