Áp dụng án lệ - Bước tiến lớn trong cải cách tư pháp Việt Nam

GIA NGUYỄN 13/12/2021 04:30

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng, phát triển án lệ một cách đồng bộ, hệ thống, khoa học có một ý nghĩa rất quan trọng.

>> Không xét xử trực tuyến những vụ án hình sự phức tạp

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, cho đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 43 án lệ (trong đó có 23 án lệ về dân sự, 7 án lệ về hình sự, và 8 án lệ về kinh doanh, thương mại) và đã xây dựng 11 dự thảo án lệ để đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Xây dựng và áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử, bước tiến trong cải cách tư pháp - Ảnh minh họa

Xây dựng và áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử, bước tiến trong cải cách tư pháp - Ảnh minh họa

Việc xây dựng và áp dụng án lệ trong hệ thống xét xử không chỉ mang ý nghĩa giải quyết một vụ án cụ thể, mà còn thiết lập ra một tiền lệ để xử những vụ án tương tự sau này, tạo sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau, giúp tiên lượng được kết quả của các vụ tranh chấp, tiết kiệm công sức của các Thẩm phán, Người tham gia tố tụng, Cơ quan tiến hành tố tụng, tạo ra sự công bằng trong xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ và sau đó được thay thế bởi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, ngày 18/6/2019 để quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Theo các chuyên gia, án lệ là khuôn thước mẫu mực để các Thẩm phán tuân theo vì được đúc kết, chọn lọc kỹ và mang tính chuyên nghiệp. Áp dụng án lệ trong hệ thống xét xử, Thẩm phán chỉ cần đối chiếu để đưa ra phán quyết, tránh chuyện mỗi người nhìn nhận, đánh giá vấn đề một kiểu, tạo ra sự minh bạch, công khai, tránh được dư luận xã hội về việc thiếu bình đẳng trong hoạt động xét xử. Đồng thời, áp dụng án lệ còn giúp các đơn vị khi đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng giao dịch dân sự, thương mại biết phòng tránh rủi ro...

Thực tế, dù được đánh giá đã có chuyển biến tích cực với nhiều kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua của hoạt động tư pháp Việt Nam như: hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng quy củ, có sự phối hợp thống nhất và hiệu quả; việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội. Hầu hết các vụ án đã được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa từng bước được nâng cao, tỷ lệ bản án, quyết định về hình sự bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của hội đồng xét xử có xu hướng giảm hàng năm. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã và đang đạt được, hoạt động tố tụng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là giai đoạn điều tra và xét xử vẫn còn để nhiều án oan, sai dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị hại cũng như các đương sự trong vụ án hình sự, vụ việc dân sự, kinh tế bị xâm hại nghiêm trọng, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Án lệ sẽ bổ sung cho những thiếu sót và những

Án lệ sẽ bổ sung cho những thiếu sót và những "lỗ hổng" của các quy định pháp luật - Ảnh minh họa

Trong đó, có thể kể đến một số vụ án oan “đình đám” như: Vụ án oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn – người bị tù oan 10 năm về tội “Giết người”; Vụ “Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, với hai lần bị kết án oan về tội “Giết người” và ông được minh oan sau hơn 17 năm ngồi tù; Vụ án oan đối với ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh trong vụ án “Giết người, cướp của” xảy ra cách đây 46 năm,...

Từ thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng và áp dụng án lệ trong xét xử sẽ nâng cao chất lượng bản án, quyết định của ngành Tòa án nói chung, đặc biệt là Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao, góp phần đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng, thống nhất, từ đó đảm bảo sự bình đẳng của mọi tổ chức và công dân trước pháp luật.

>> Phiên tòa trực tuyến: Chỉ nên xét xử vụ án có chứng cứ rõ ràng

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử là hết sức cần thiết, thể hiện bước tiến lớn trong cải cách tư pháp tại Việt Nam, bởi không hệ thống pháp luật nào có thể bao trùm hết mọi tình huống xã hội, án lệ sẽ bổ sung những “lỗ hổng” mà quy định pháp luật còn thiếu.

Cũng theo Luật sư Hiệp, án lệ được áp dụng thống nhất sẽ giúp người tiến hành tố tụng và đương sự có thể dự đoán được kết quả tranh chấp, dễ dàng đưa ra được hướng giải quyết bởi thực tế luôn phát sinh nhiều vướng mắc mà pháp luật không dự liệu trước. Nếu Thẩm phán chờ có quy định mới đưa ra được phán quyết sẽ ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của người dân, trong những trường hợp như thế, áp dụng án lệ sẽ khắc phục được nhược điểm này.

Luật sư Hiệp cho rằng, xã hội dân sự phát triển mạnh mẽ, đất nước đang trong quá trình hội nhập, nên phải chấp nhận nhiều tập quán thương mại quốc tế... Trong khi đó, pháp luật ban hành vẫn xuất hiện những thiếu sót và nhiều “lỗ hổng” không đồng bộ... Vì vậy, áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử bổ sung cho pháp luật thì mới có thể quản lý xã hội hiệu quả hơn. Đặc biệt, với những tranh chấp cụ thể mà pháp luật quy định chưa rõ hoặc chưa có, Thẩm phán sẽ có những căn cứ để vận dụng, giải quyết.

“Dù muộn so với các nước trên thế giới, thế nhưng, án lệ để khắc phục những kẽ hở mà luật thành văn chưa quy định thật sự cần thiết, không chỉ là đòi hỏi khách quan đối với hệ thống Tòa án nước ta, mà còn cả với hệ thống Tòa án các nước. Việc xây dựng và áp dụng án lệ trong hệ thống xét xử của Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian vừa qua là bước tiến lớn trong cải các tư pháp Việt Nam”, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Vắng mặt 2 bị cáo, phiên xét xử cựu Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến vẫn tiếp tục

    Vắng mặt 2 bị cáo, phiên xét xử cựu Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến vẫn tiếp tục

    10:48, 08/12/2021

  • Tạm dừng phiên xét xử ông Trần Vĩnh Tuyến vì một bị cáo điều trị ung thư

    Tạm dừng phiên xét xử ông Trần Vĩnh Tuyến vì một bị cáo điều trị ung thư

    10:32, 06/12/2021

  • Xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND TP Trà Vinh

    Xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND TP Trà Vinh

    10:17, 20/11/2021

  • Không xét xử trực tuyến những vụ án hình sự phức tạp

    Không xét xử trực tuyến những vụ án hình sự phức tạp

    18:31, 12/11/2021

  • Sắp xét xử 36 bị can vụ sai phạm ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

    Sắp xét xử 36 bị can vụ sai phạm ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

    15:17, 02/11/2021

GIA NGUYỄN