Cải thiện môi trường kinh doanh – Tiếp tục tháo dỡ rào cản

GIA NGUYỄN 29/12/2021 04:10

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022 và các năm tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh…

>>Cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng hỗ trợ phục hồi kinh tế

Từ năm 2014, hàng năm Chính phủ ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP từ năm 2019 đến nay). Nghị quyết tập trung vào cải cách thể chế, quy định và thủ tục hành chính. Nghị quyết được xây dựng với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, dựa trên 7 bộ chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín. Việc thực hiện chương trình cải cách nói trên đã đạt được kết quả tốt; được các tổ chức quốc tế ghi nhận; được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, giới chuyên gia đánh giá cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh - Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh - Ảnh minh họa

Trong đó, nguyên tắc lựa chọn mục tiêu, nội dung, giải pháp và giao nhiệm vụ tại Nghị quyết là bám sát định hướng cơ bản về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

Cụ thể, lựa chọn mục tiêu, nội dung, giải pháp và giao nhiệm vụ dựa trên ba nguyên tắc: tư duy cải cách theo chuẩn mực quốc tế; xác định các tiêu chí cụ thể dựa trên các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới; giao nhiệm vụ có tính áp đặt và thiết lập kỷ cương trong triển khai.

Còn việc tổ chức thực hiện sẽ theo hướng phân công cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cho từng nhóm tiêu chí; từng chỉ tiêu cụ thể; thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các vướng mắc, bất cập. Các nhiệm vụ, giải pháp thiết kế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương.

>>“Tăng tốc lại” cải thiện môi trường kinh doanh

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Nghị quyết lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025, bao gồm: Cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách về đăng ký đất đai và bất động sản; phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Theo các chuyên gia, Dự thảo này hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay và thực sự có giá trị với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế trong thời gian tới, điểm nhấn của Dự thảo là việc tiếp tục tháo dỡ những rào cản trong sản xuất – kinh doanh, trong đó có cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh.

Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ được giao nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; đánh giá sự cần thiết của từng ngành nghề trong danh mục; kiến nghị đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc không có mục tiêu quản lý rõ ràng. Các bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan.

Dự thảo được đánh giá sẽ tiếp tục tháo dỡ rào cản môi trường đầu tư kinh doanh - Ảnh minh họa

Dự thảo được đánh giá sẽ tiếp tục tháo dỡ rào cản môi trường đầu tư kinh doanh - Ảnh minh họa

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư, dựa trên đề xuất của các Bộ quản lý chuyên ngành và theo yêu cầu quản lý Nhà nước theo từng giai đoạn. Việc sửa đổi danh mục này khá thường xuyên cũng vì yêu cầu này, tuy nhiên, cách làm này khó tránh khỏi có sự thiếu cân đối giữa các nhiệm vụ như đảm bảo quyền tự do kinh doanh, nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu kiểm soát, quản lý hành chính, nhất là khi nhiều bộ, ngành vẫn chưa hướng theo mục tiêu Nhà nước kiến tạo, mà tập trung quản lý ngành theo hướng cát cứ.

Hệ lụy là trong những năm qua, nhiều cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành thường trong thế đối đầu, khi doanh nghiệp đòi gỡ bỏ, giảm nhẹ hoặc thay thế điều kiện kinh doanh bằng công cụ quản lý khác, còn cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đặt thêm yêu cầu về điều kiện kinh doanh.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn với các nhà đầu tư khi danh mục này không chỉ giới hạn ở phạm vi kinh doanh, mà gồm điều chỉnh ngay các hoạt động đầu tư. Bởi vì khi đó, thay vì các điều kiện chỉ xuất hiện khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, các kế hoạch đầu tư sẽ bị giới hạn, ràng buộc bởi các quy trình, thủ tục ngay khi mới bắt đầu triển khai ý tưởng dẫn tới hoạt động của doanh nghiệp bị chậm trễ, gia tăng chi phí gia nhập thị trường. Nhưng khó khăn còn ở chỗ, các điều kiện đầu tư đối với các nhà đầu tư chưa được quy định cụ thể.

Ông Cung cho rằng, thông điệp của Dự thảo rất rõ là sẽ có những thay đổi về chất trong quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh khi nhiệm vụ rà soát phục vụ mục tiêu khuyến khích, ưu đãi đầu tư.

Đáng nói, trong Dự thảo, nhiệm vụ trên được giao cùng với yêu cầu dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.

Cụ thể, các bộ, ngành rà soát các luật có liên quan đến đầu tư tạo tài sản, phát triển năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phải thực hiện rà soát Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... và các điều khoản có liên quan trong các Nghị định hướng dẫn thi hành, trên cơ sở đó kiến nghị các phương án bổ sung, sửa đổi phù hợp.

Về nội dung Dự thảo, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá, cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, thì môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng luôn là nhân tố quyết định trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng thịnh vượng quốc gia. Nghị quyết 02 năm tới sẽ thực sự có giá trị với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng hỗ trợ phục hồi kinh tế

    Cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng hỗ trợ phục hồi kinh tế

    04:20, 05/11/2021

  • “Tăng tốc lại” cải thiện môi trường kinh doanh

    “Tăng tốc lại” cải thiện môi trường kinh doanh

    11:06, 29/04/2021

  • Hoà Bình đột phá chiến lượcp/cải thiện môi trường kinh doanh

    Hoà Bình đột phá chiến lược cải thiện môi trường kinh doanh

    13:35, 26/03/2021

  • Lai Châu: Từng bước cải thiện môi trường kinh doanh

    Lai Châu: Từng bước cải thiện môi trường kinh doanh

    02:30, 24/02/2021

  • Hoà Bình đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh

    Hoà Bình đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh

    14:24, 19/02/2021

GIA NGUYỄN