Động lực cho tăng trưởng kinh tế 2022

HUYỀN TRANG thực hiện 02/01/2022 04:30

Việt Nam có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế ở mức 6,3-6,5% trong năm 2022 như Quốc hội và Chính phủ đề ra. 

>>Năm 2022: Lạm phát, tăng trưởng GDP và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế

Đó là chia sẻ của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với Diễn đàn Doanh nghiệp.

tăng trưởng GDP 2021 đang ở mức rất thấp, song bà Minh cho rằng, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng.

-Cụ thể, đó là những điểm sáng như thế nào, thưa bà?

Kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn có những điểm tích cực. Đáng lưu ý nhất là hoạt động thương mại của Việt Nam đã có bước tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tới 18,3% trong 11 tháng đầu năm 2021 (so với cùng kỳ 2020), cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2020 (6,9%). Nhập khẩu cũng tăng trưởng tới 27,5% trong 11 tháng đầu năm 2020, trong đó có nhiều đầu vào quan trọng cho sản xuất như máy móc thiết bị phụ tùng, hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại... Thặng dư thương mại đạt gần 1,5 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm.

Điểm sáng thứ hai chính là việc kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đà phục hồi kinh tế thế giới, giá hàng hóa trên thị trường thế giới (tính theo USD), đặc biệt là nhiều đầu vào như xăng dầu... đã có những bước tăng khá mạnh. Ước tính của Economist Intelligence Unit đến 15/12/2021 cho thấy giá dầu tăng tới 66,4% so với năm 2020.

Dù vậy, cũng phải nhìn nhận những khó khăn không nhỏ của nền kinh tế trong năm vừa qua. Đó là tăng trưởng kinh tế còn chịu ảnh hưởng đáng kể bởi những diễn biến của dịch COVID-19, giải ngân đầu tư công còn chậm, hay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam giảm...

-Năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5%. Bà đánh giá chỉ tiêu này liệu có khả thi khi đại dịch vẫn đang diễn biến khó lường, thưa bà?

Tôi cho rằng Việt Nam có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế ở mức 6,3-6,5% trong năm 2022.

Nền tảng quan trọng cho kỳ vọng ấy là việc Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm để tiếp tục duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và thành quả phòng chống dịch COVID-19, qua đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân yên tâm với hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh.

Động lực mới cho tăng trưởng là việc bắt nhịp vào thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, gắn với những hành động quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tận dụng cơ hội từ các FTA, và cải cách kinh tế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Một nội dung quan trọng khác là việc triển khai thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó khai thác sớm những cơ hội từ kinh tế số, kinh tế xanh.

>>Cơ hội và triển vọng tăng trưởng

-Để có thể phục hồi và phát triển kinh tế sau 2 năm tổn thương nặng nề do dịch bệnh, tất yếu cần tới biện pháp hỗ trợ của nhà nước. Các nhóm nghiên cứu đang dự tính 1 gói hỗ trợ kéo dài 2 năm với quy mô có thể lên tới vài chục tỷ USD. Bà có bình luận gì về chương trình này?

Theo những thông tin công bố tại buổi họp báo Chính phủ tháng 11/2021, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế tập trung vào 05 nhóm giải pháp chủ yếu, gồm: y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính. Chúng ta sẽ cùng chờ đợi các chi tiết cụ thể của Chương trình này.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh chúng ta đã đạt được chuyển biến lớn về phổ biến vaccine và tư duy thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tôi cho rằng việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết, phù hợp. Bản thân 05 nhóm giải pháp trên đây cũng tính đến đủ các nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp và người dân quan tâm.

Tôi muốn lưu tâm thêm rằng, Chương trình phục hồi và hỗ trợ kinh tế cần các biện pháp tài khóa và tiền tệ ở quy mô đủ lớn, và cần thực hiện sớm để tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất-kinh doanh. Nếu thực hiện hiệu quả các yêu cầu này, tác động đối với tổng cung của nền kinh tế và sức sống của cộng đồng doanh nghiệp sẽ rất tích cực, chênh lệch tổng cung-tổng cầu sẽ không lớn và rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô có thể được kiểm soát.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi hơn, nuôi dưỡng sự “hứng khởi kinh doanh” nhiều hơn. Không nên xem đây là nhóm biện pháp bổ trợ, mà phải coi là một phần quan trọng, là những giải pháp thiết thực song không tốn kém chi phí cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Cuối cùng, cần lưu tâm và minh bạch về thời điểm hoàn thành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ giúp tránh “dồn tụ” áp lực đối với lạm phát, đồng thời giữ được dư địa chính sách kinh tế vĩ mô cho các kịch bản trong tương lai.

-Vậy, theo bà, ngoài chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển, Chính phủ cần làm gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ có chất lượng và bền vững nếu đi kèm với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn với tạo dựng các đột phá nhằm huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn.

Theo đó, bên cạnh các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, một nội dung quan trọng là bảo đảm giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhanh và hiệu quả hơn. Khơi thông trách nhiệm, tháo gỡ các bất cập đối với giải ngân đầu tư công là một nội dung cần thiết, dù đã được đề cập nhiều trong những năm qua.

Ngoài ra, tôi muốn lưu ý một định hướng quan trọng là cần tăng cường hiệu quả, sức lan tỏa của dự án đầu tư công gắn với các dự án liên kết vùng. Chính ở đây, vai trò của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế liên kết vùng, thúc đẩy các dự án liên kết vùng là rất quan trọng.

- Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Năm 2022: Lạm phát, tăng trưởng GDP và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế

    Năm 2022: Lạm phát, tăng trưởng GDP và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế

    05:30, 01/01/2022

  • Cơ hội và triển vọng tăng trưởng

    Cơ hội và triển vọng tăng trưởng

    11:00, 18/12/2021

  • Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam có thể đứng đầu Đông Nam Á

    Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam có thể đứng đầu Đông Nam Á

    10:58, 11/12/2021

  • Dự báo bức tranh tăng trưởng các nền kinh tế Đông Nam Á năm 2022?

    Dự báo bức tranh tăng trưởng các nền kinh tế Đông Nam Á năm 2022?

    01:30, 09/12/2021

  • Đổi mới mô hình tăng trưởng: Nội lực hàng đầu là kinh tế tư nhân

    Đổi mới mô hình tăng trưởng: Nội lực hàng đầu là kinh tế tư nhân

    00:00, 04/12/2021

HUYỀN TRANG thực hiện