Cải thiện môi trường kinh doanh năm 2022 - Giải quyết dứt điểm sự khác biệt
Theo các chuyên gia, tình trạng khác biệt giữa các quy định của pháp luật đang được bộc lộ là rào cản đáng kể, làm chùn chân các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần được giải quyết dứt điểm…
>>Cải thiện môi trường kinh doanh – Tiếp tục tháo dỡ rào cản
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Đồng thời, tiếp nối các nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh liên tục nhiều năm qua, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 được ban hành sẽ tập trung cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và dỡ bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Đây được cho là 2 ưu tiên mới trong nhiệm vụ Chính phủ giao các bộ, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh so với các năm trước, nhưng cũng sẽ là những phần việc khó khăn hơn.
Cụ thể, với nhiệm vụ cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Hướng xử lý được xác định ngay từ đầu là thu hẹp phạm vi một số ngành nghề; đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, cùng với đó là kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới.
Cùng với đó là việc thực hiện đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc không có mục tiêu quản lý rõ ràng sẽ phải hoàn thành trong năm 2023.
Thông tin với báo chí, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM chia sẻ, trong một thời gian dài, kể cả trước khi phiên bản đầu tiên của Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh được ban hành vào năm 2014, việc cắt giảm giấy phép con, cắt giảm điều kiện kinh doanh thường xuyên là nhiệm vụ ưu tiên. Từ năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, đến hết năm 2018, về cơ bản, số lượng điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm hơn 50%.
Theo đó hàng ngàn điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không tiên liệu trước được hoặc can thiệp quá mức vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa. Nhờ vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam thay đổi theo hướng thuận lợi, tự do và an toàn cho doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, phần lớn những thay đổi này nằm ở giai đoạn hoạt động của doanh nghiệp, nghĩa là khi doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh cụ thể. Còn giai đoạn trước đó, khi có ý tưởng đầu tư tới lúc quyết định bỏ tiền đầu tư dự án hay thành lập doanh nghiệp, các rào cản dù đã được nhắc đến, có đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhưng chưa thực sự được các cơ quan quản lý thực hiện rốt ráo.
Hai năm trước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện rà soát hơn 400 văn bản liên quan đến quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế 106 điều khoản của 93 văn bản (32 Luật, 51 Nghị định, 10 Thông tư)…
Nhưng, trên thực tế, hai năm qua, những thay đổi trong các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư, kinh doanh không nhiều. Cũng có lý do các bộ, ngành, địa phương chú trọng nhiều hơn tới phòng chống dịch và thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp, nên nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bị chững lại”, bà Thảo phân tích.
>>Cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng hỗ trợ phục hồi kinh tế
Cũng theo bà Thảo, tình trạng khác biệt giữa các quy định của pháp luật đang được bộc lộ là rào cản đáng kể, làm chùn chân các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cả trong thủ tục đầu tư và đầu tư công.
Để giải quyết sự khác biệt theo yêu cầu của Chính phủ trong Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022, bà Thảo cho rằng, rất cần tư duy cải cách theo hướng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; coi doanh nghiệp là đối tác, không coi doanh nghiệp là đối tượng bị quản lý khi tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Lâu nay, chúng ta đã nói đến những yêu cầu này, nhưng vào thời điểm doanh nghiệp và nền kinh tế đang trong thời điểm phục hồi, cần hỗ trợ để giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục tái cơ cấu, đầu tư dài hạn, thì những đòi hỏi này càng trở nên cấp bách.
Thực tế, trong nội dung làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, các đại biểu cũng đang xem xét để thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật, gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và một số điều của Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Mục tiêu của việc xem xét này được cho sẽ kịp thời tháo gỡ thủ tục, trình tự đang gây khó cho việc triển khai các dự án đầu tư hiện hữu, các vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay để thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư, như phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ODA, dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị; hình thức sử dụng đất khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại…
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tinh thần của Luật này còn để cộng hưởng cùng với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tập trung thực hiện các giải pháp trong 2 năm 2022-2023. Điều này cũng có nghĩa, nhiều vấn đề căn cơ sẽ chưa thể xử lý ngay, vì thực tế, quyết định thực hiện một luật sửa 8 luật dựa trên những rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh của các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp.
Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát 252 văn bản pháp luật liên quan đến việc phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư, phát hiện một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai dự án trong 19 văn bản (8 Luật, 10 Nghị định, 1 Thông tư)...
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát 440 văn bản liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản, cũng chỉ ra 30 văn bản có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp…
Được biết, Nghị quyết 2022, Chính phủ cũng đã xác định rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, trong đó yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết này và các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Nâng cao vai trò của VCCI trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh
16:32, 30/12/2021
Cải thiện môi trường kinh doanh – Tiếp tục tháo dỡ rào cản
04:10, 29/12/2021
Cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng hỗ trợ phục hồi kinh tế
04:20, 05/11/2021
“Tăng tốc lại” cải thiện môi trường kinh doanh
11:06, 29/04/2021
Hoà Bình đột phá chiến lược cải thiện môi trường kinh doanh
13:35, 26/03/2021