Thực thi gói hỗ trợ toàn dân: Phải đơn giản các thủ tục hỗ trợ
Được cho là gói hỗ trợ toàn dân, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội vừa được ký ban hành.
>> Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới
Trước những lo ngại về hiệu qủa của gói hỗ trợ, GS - TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đây gần như là gói hỗ trợ toàn dân, nên phải thay đổi căn bản các phương thức quản lý, quản quản trị, kiểm soát chính sách để gói hỗ trợ đến được với mọi người.
“Cần phải đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, chính sách đưa ra để phục hồi càng sớm càng hiệu quả. Bởi nếu không, qua một thời gian, kinh tế tiếp tục suy giảm, doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, thì có muốn hỗ trợ cũng không được.
Cũng như người bệnh, khi còn cơ hội thì phải chạy chữa ngay, chữa đúng thầy, đúng thuốc, thì mới khỏi và phục hồi sức khỏe trở lại. Nếu chậm trễ, bệnh tình quá ra, thì có muốn cứu cũng không được hoặc phải mất rất nhiều tiền của, công sức và rất nhiều thời gian, người bệnh mới phục hồi”, ông Cường nói.
Gói hỗ trợ ban hành theo Nghị quyết 43/2022/QH15 có nhiều cấu phần, cấu phần nào cũng phải triển khai càng sớm càng tốt. Như việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%... có thể áp dụng ngay. Nhưng cũng có những cấu phần của phải thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, vì đây là những quy định chung nhất trong quản lý, quản trị tài chính, tiền tệ, ngân sách nhà nước.
“Do vậy, cho rằng với vấn đề thủ tục cần được thiết kế thật đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đối tượng được thụ hưởng. Tránh tình trạng chính sách hay, nhưng lại đưa ra thủ tục để quản lý quá chặt, nhiều quy định quy trình không sai, nhưng lại không đến được với người thụ hưởng”, ông Cường nói.
Cùng với đó, ông Cường nhấn mạnh, đó là, khi đã đưa ra được các điều kiện, thủ tục, chỉ tiêu để kiểm soát rồi thì phải tiến hành rà soát, làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Đây là điều vô cùng quan trọng. “Trúng thì đã trúng rồi: ai gặp khó khăn do dịch bệnh đều được hỗ trợ. Nhưng đúng thì sao? Làm sao để đúng đối tượng”, ông Cường đặt vấn đề.
Nhấn mạnh quan điểm cách thiết kế chính sách theo Nghị quyết 43/2022/QH15 rất hay, vì không đưa ra quy định ai là người được hỗ trợ, mà chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ theo hình thức “chọn bỏ” thay vì “chọn cho” như các chính sách trước đây. Số chọn bỏ (không được hỗ trợ) rất ít, chỉ có nhóm doanh nghiệp đang có lợi thế trong đại dịch như lĩnh vực kinh doanh tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông… Số còn lại đương nhiên được hưởng hỗ trợ, không cần xin - cho gì cả. Với cách thiết kế này, việc kiểm soát sẽ không quá khó khăn.
“Tuy nhiên, trong chính sách có những gói không cẩn trọng thì sẽ có tình trạng cùng thuộc đối tượng, nhưng có người tiếp cận được dễ dàng và được hỗ trợ nhiều, nhưng có người không tiếp cận được hoặc được hỗ trợ không đáng kể”, ông Cường nói.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới
05:00, 25/01/2022
FESTIVAL KHỞI NGHIỆP 2022: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và bài học từ Thuỵ Sĩ
12:29, 23/01/2022
Gói hỗ trợ 40.000 tỷ tác động ra sao đến thị trường bất động sản?
11:30, 22/01/2022
Quyết liệt, hiệu quả “các chính sách hỗ trợ”
13:44, 21/01/2022