Cải cách hành chính 2021: Điểm sáng tích cực của ngành xây dựng
Không chỉ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, năm 2021, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, thế nhưng, ngành xây dựng đã có nhiều điểm sáng tích cực, đặc biệt là trong việc cải cách hành chính…
>>Triển vọng ngành xây dựng năm 2022: Lạc quan trong thận trọng
Theo thống kê, năm 2021, ngành xây dựng đã cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 14 thủ tục hành chính... Những cải cách của ngành xây dựng được đánh giá không chỉ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà còn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Thông tin với báo chí, Bộ trưởng Bộ Xây dựng – Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, xác định hoàn thiện thể chế, chính sách là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của ngành, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung, đầu tư các nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn hiện thể chế.
Thực tế, như khẳng định của lãnh đạo ngành xây dựng, trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành 8 Nghị định; trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 Quyết định và 1 Chỉ thị; Bộ ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư liên quan tới các lĩnh vực như quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, chất lượng công trình, vật liệu xây dựng…
Thông qua đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong thực tiễn, góp phần khơi thông nguồn lực phát triển cho các ngành và địa phương; tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng…
>>Bộ Xây dựng thúc địa phương xây dựng nhà ở công nhân
Thống kê cũng chỉ rõ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết số 76/NQ-CP năm 2021, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (tương ứng với 16 điều kiện đầu tư kinh doanh); cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%) trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng; cắt giảm, đơn giản hóa 14 thủ tục hành chính…
Mới đây, ngày 22/11/2021, theo tờ trình của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ trong năm 2021 và năm 2022.
Theo đó, Bộ Xây dựng tiếp tục sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa 1 điều kiện đầu tư kinh doanh, 41 thủ tục hành chính… Khi phương án này thực hiện thành công được cho sẽ tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp, tạo sự đột phá trong nâng cao chỉ số cấp phép xây dựng của Ngành năm 2021 - 2022.
Đánh giá về những chuyển biến của ngành xây dựng, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ từng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, việc cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng, bền vững, hiệu quả và trong “tầm tay” của các cơ quan Nhà nước.
Theo Chủ tịch VCCI, thực hiện các thủ tục hành chính là hoạt động quan trọng đầu tiên, vì vậy Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm tăng cường tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư xây dựng, Quốc hội cũng đã ban hành các bộ luật như: Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu cải thiện về căn bản về pháp lý…
“Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính. Đặc biệt cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư - xây dựng - đất đai - môi trường có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Được biết, năm 2021 là năm ngành xây dựng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng, hầu hết các chỉ tiêu quản lý ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, so với năm 2020, giá trị tăng thêm của ngành xây dựng là 0,2 - 0,5%; diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2021 ước đạt 40,5%; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92%, tăng 2%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,2%, giảm 0,8%; tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý 15%, tăng 1%...
Trước những kết quả tích cực của ngành xây dựng trong năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành, đánh giá: “Ngành Xây dựng - một trong những ngành sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng của nền kinh tế, đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước trong năm 2021”.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Xây dựng thúc địa phương xây dựng nhà ở công nhân
20:00, 26/01/2022
Triển vọng ngành xây dựng năm 2022: Lạc quan trong thận trọng
11:20, 26/01/2022
Thanh Hóa: Tập đoàn Xây dựng miền Trung tặng 1.880 suất quà tết cho người nghèo
07:10, 26/01/2022
Hà Nội sắp cải tạo, xây dựng lại 2 - 3 chung cư cũ
03:00, 26/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cấp bách phải đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
22:17, 25/01/2022