Cải thiện môi trường kinh doanh 2022: Giải pháp “phi tài chính” giúp phục hồi kinh tế

ĐỖ HUYỀN 02/02/2022 04:10

Đã thành thông lệ, vào đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

>> Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh – Cần một “áp lực” đủ lớn

Nghị quyết 02 năm 2022 tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng phát huy xu hướng cải cách môi trường kinh doanh từ những năm trước.

Theo đó, Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 của Chính phủ đã yêu cầu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19.

Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 được kỳ vọng như một giải pháp phi tài chính giúp hỗ trợ doanh nghiệp.

Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 được kỳ vọng như một giải pháp phi tài chính giúp hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng với đó, Nghị quyết yêu cầu phải tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, trong năm nay, một mục tiêu trọng tâm được đặt ra là phải kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh. Theo các doanh nghiệp, đây là vấn đề rất bức thiết bởi các doanh nghiệp đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch trong 2 năm qua. Kết quả điều tra doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2021 cho thấy, gần 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, kể cả doanh nghiệp trong nước và FDI.

Nghị quyết 02 năm nay cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể để cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Cụ thể: Nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1); nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) lên 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên ít nhất 1 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán (B7) lên 2-3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9) lên 2-3 bậc…

Vì thế, Nghị quyết 02 đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng với đó là phụ lục phân công công việc cụ thể đến từng bộ, ngành; trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số…

>>Nghị quyết 02/2022: "Lãnh địa" xin-cho của bộ ngành sẽ bị "đụng chạm"

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Nghị quyết 02 vẫn tiếp cận tốt theo các thông lệ quốc tế để đưa ra mục tiêu và giải pháp cụ thể cho các cơ quan liên quan.

Điểm khác biệt năm nay là các nhóm giải pháp được đưa ra trọng tâm và chi tiết hơn. Nghị quyết cũng mở rộng hơn các nhóm giải pháp đã được thực hiện trong các nghị quyết trước về cải cách điều kiện kinh doanh, như rà soát danh mục đầu tư có điều kiện để nhận diện gốc rễ của vấn đề.

Một giải pháp trọng tâm nữa là Chính phủ tăng cường chuyển đổi số nhằm đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, để tạo cơ chế thông thoáng và tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục”, bà Thảo nói.

Cũng theo bà Nguyễn Minh Thảo, trong năm 2021, Chính phủ đã kịp thời ban hành 20 văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Các giải pháp được đưa ra có tính khả thi hơn, thủ tục đơn giản hơn nhưng một số giải pháp hỗ trợ vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa đến được với đa số doanh nghiệp gặp khó khăn.

Do đó, việc tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2022 được xác định là giải pháp “phi tài chính” có ý nghĩa để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thích ứng, phục hồi sau đại dịch.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Tạo môi trường kinh doanh minh bạch để thu hút vốn FDI

    01:38, 30/01/2022

  • Doanh nghiệp châu Âu lạc quan vào môi trường kinh doanh Việt Nam

    04:00, 27/01/2022

  • Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh – Cần một “áp lực” đủ lớn

    04:20, 24/01/2022

  • DDCI thúc đẩy lãnh đạo địa phương cải thiện môi trường kinh doanh

    15:44, 20/01/2022

ĐỖ HUYỀN