Cải cách hành chính 2021: Dấu ấn của ngành Tư pháp
Bên cạnh những bước đột phá của nhiều lĩnh vực, công tác Tư pháp năm 2021 cũng để lại nhiều dấu ấn đáng ghi nhận, đặc biệt là việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các văn bản pháp luật…
>>Áp dụng án lệ - Bước tiến lớn trong cải cách tư pháp Việt Nam
Dịch bệnh COVID-19 không chỉ tác động đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung, mà còn gây ra những khó khăn nhất định cho các công tác khác, trong đó, có lĩnh vực Tư pháp. Tuy nhiên, với sự khẩn trương, xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Lĩnh vực Tư pháp trong năm 2021 đã và đang để lại những dấu ấn tích cực đáng ghi nhận, đặc biệt là việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các văn bản pháp luật.
Cụ thể, năm 2021, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 7 Luật, Nghị quyết và cho ý kiến với 5 dự án Luật khác; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành 5.510 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã thẩm định 232 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 634 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.904 dự thảo và 1.879 dự thảo do các Phòng Tư pháp thẩm định.
>>Cần tiếp tục chọn cải cách tòa án là khâu đột phá trong cải cách tư pháp
Đáng nói, để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 12.366 văn bản quy phạm pháp luật, riêng Bộ Tư pháp đã kiểm tra 3.644 văn bản (gồm 301 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 3.343 văn bản của của HĐND và UBND cấp tỉnh). Ngành tư pháp đã tập trung rà soát được 29.955 văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới) đối với 5.581 văn bản.
Đây được cho là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Tư pháp trong năm qua, góp phần tích cực vào việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, phục vụ tốt cho giai đoạn thực hiện “mục tiêu kép” và sau này là cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngoài những dấu ấn trọng tâm về công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, năm 2021 cũng ghi nhận tính hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp như: thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hành chính tư pháp; pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật...
Trong đó, có thể kể đến việc các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong 493.971 việc với hơn 45.700 tỷ đồng, và có hơn 4.000 tỷ đồng trong số đã nêu được thu hồi từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.
Hay như việc triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tại 63 tỉnh/thành đã ghi nhận có hơn 21,2 triệu dữ liệu khai sinh với hơn 6,4 triệu dữ liệu dữ liệu hộ tịch điện tử được chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hơn 2,7 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi được cấp thong qua liên thông thủ tục hành chính điện tử; hơn 4,2 triệu dữ liệu kết hôn; hơn 3 triệu dữ liệu khai tử; hơn 5,6 triệu hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.
Những kết quả nêu trên, tiếp tục cho thấy công tác Tư pháp đã và đang đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thể hiện sự linh hoạt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong bối cảnh mới của đất nước và của từng địa phương.
Đặc biệt, những dấu ấn trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của ngành Tư pháp năm 2021 còn được dư luận đánh giá cao, khi không chỉ thể hiện sự tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, mà còn bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trên hết, công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện một cách quyết liệt thời gian quan, cũng góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo ra những kỳ vọng cho sự phát triển của năm 2022 và những năm tiếp.
Có thể bạn quan tâm
Từ vụ đấu giá đất Thủ thiêm: Bộ Tư pháp yêu cầu cung cấp thông tin đấu giá đất Thủ Thiêm
23:48, 17/01/2022
Cần tiếp tục chọn cải cách tòa án là khâu đột phá trong cải cách tư pháp
16:43, 17/01/2022
Áp dụng án lệ - Bước tiến lớn trong cải cách tư pháp Việt Nam
04:30, 13/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập ngành tư pháp
20:55, 09/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành tư pháp
20:10, 08/12/2021