Cải cách hành chính 2021: Điểm nhấn của ngành Thuế
Không chỉ đạt được những tích cực trong nhiệm vụ đảm bảo thu ngân sách, hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2021 cũng là năm ngành Thuế để lại những điểm nhấn về cải cách hành chính…
>>Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế điện tử trong năm 2022
Năm 2021 là năm thứ 2 nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng phải đối mặt với những tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, bằng những chính sách kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cũng như các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, ngành Thuế đã để lại những điểm nhấn đầy tích cực.
Cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế, bởi điện tử hoá, số hoá công tác quản lý sẽ góp phần xây dựng diện mạo ngành Thuế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Năm 2021, toàn ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa toàn bộ quy trình quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế.
Đến nay, sau nhiều nỗ lực việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đã được thực hiện tập trung và tự động, 100% các giao dịch được truyền nhận điện tử theo cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan đăng ký kinh doanh; 99,9% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử và gần 98% số doanh nghiệp hoàn thuế tham gia hoàn thuế điện tử.
>>Vì sao việc triển khai kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế còn lúng túng?
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách mà không phải trực tiếp đến cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, trong nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thuế theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, năm 2021, cùng với việc triển khai thành công thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, ngành Thuế đã ra mắt ứng dụng thuế điện tử dành cho thiết bị di động (eTax mobile); đẩy mạnh các dịch vụ thuế điện tử dành cho cá nhân như khai, nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà; khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử ôtô, xe máy. Đặc biệt, với nhiệm vụ trọng tâm là triển khai hệ thống hoá đơn điện tử (HĐĐT).
Kết quả, tính đến ngày 21/12/2021, sau 1 tháng kích hoạt hệ thống, số lượng người nộp thuế đã đăng ký sử dụng HĐĐT là 263.182 doanh nghiệp (chiếm 71% tổng số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của 6 tỉnh, thành phố thuộc lộ trình áp dụng HĐĐT giai đoạn 1).
Đây được cho là một trong những điểm nhấn lớn trong năm vừa qua của ngành Thuế, bởi không chỉ tạo ra sự tiện lợi, giảm cho phí thời gian, đi lại cho người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần mạnh mẽ vào công tác phòng chống dịch, chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài những tác động mạnh mẽ đến từ cải cách hành chính, năm 2021 vừa qua cũng ghi nhận, sự chủ động và linh hoạt ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh COVID-19 gây ra ngành Thuế, khi đơn vị này đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng số tiền ước khoảng 92,9 ngàn tỷ đồng; gia hạn thuế TTĐB cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 104/2021/NĐ-CP khoảng 4 ngàn tỷ đồng.
Cùng với những giải pháp gia hạn thuế, ngành Thuế còn tham mưu với Bộ Tài chính ban hành, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành một loạt giải pháp miễn, giảm thuế, phí.
Ngoài ra, để bù đắp các khoản hụt thu, cơ quan thuế đã đẩy mạnh khai thác nguồn thu mới, nhiều tiềm năng, như thu từ thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, các ngành, lĩnh vực có sự gia tăng đột biến... các biện pháp thu hồi nợ thuế, đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế nộp các khoản được gia hạn vào ngân sách Nhà nước…
Từ đó, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 do Tổng cục Thuế thực hiện ước đạt 1.294.000 tỷ đồng, bằng 115,9% dự toán (tương ứng vượt 177.300 tỷ đồng). Trong đó, có 60/63 cục thuế hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Tiếp nối những điểm nhẫn đã và đang đạt được của toàn ngành Thuế trong năm 2021, bên cạnh việc tập trung triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030, năm 2022, toàn ngành Thuế được cho sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kỷ luật, kỷ cương công vụ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và phục vụ ngày càng tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế điện tử trong năm 2022
04:50, 24/01/2022
Vì sao việc triển khai kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế còn lúng túng?
14:35, 19/01/2022
Hoá đơn điện tử: Giải pháp căn cơ chống gian lận, thất thu thuế
05:30, 18/01/2022
“Thiên đường” thuế cho các triệu phú Bitcoin
04:30, 18/01/2022
Siết thuế chuyển nhượng bất động sản: Chuyện cũ vẫn nóng
05:00, 17/01/2022