Cần cơ chế kiểm soát "cài cắm lợi ích" trong xây dựng pháp luật
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó có biểu hiện của việc “cài cắm lợi ích” như lợi ích cục bộ của Bộ, ngành...
>> "Quy định nhà đầu tư đề xuất dự án PPP tạo cơ hội cho… lobby chính sách"
Tại hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu tránh tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép, cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của bộ, ngành khi xây dựng luật.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định những thành tựu to lớn mà đất nước ta đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của thành tựu lập pháp; hệ thống pháp luật được xây dựng và hoàn thiện đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, phát triển đất nước.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thành bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, như pháp luật trong một số lĩnh vực chưa đầy đủ hoặc chưa được cập nhật để kịp thời đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh; vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật; một số văn bản còn thiếu tính ổn định..., trong đó có cả biểu hiện của việc “cài cắm lợi ích” như lợi ích cục bộ của Bộ, ngành mà chưa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên, tình trạng cài cắm chính sách được nhắc đến. Trên thực tế, không ít trường hợp pháp luật có các quy định như “phải có trang thiết bị phù hợp”, “phải có đội ngũ nhân sự đáp ứng được yêu cầu”... nhưng lại không giải thích thế nào là “phù hợp” thế nào là “đáp ứng được yêu cầu”…
>> Văn bản của Bộ Y tế và góc khuất của "lobby chính sách"?
Những quy định chung chung, định tính, không rõ ràng này là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Những kẽ hở pháp luật dẫn đến tham nhũng như vậy không phải là hiếm trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong nhiều vụ án tham nhũng thời gian qua, kết luận của Thanh tra Chính phủ, của Kiểm toán Nhà nước nhiều lần khẳng định: những kẽ hở trong các quy định của pháp luật chính là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ án tham nhũng.
Điều đáng nói là đôi khi những quy định đó đã được cài cắm một cách cố tình vào các văn bản pháp luật bởi chính những người soạn thảo. Một phần nguyên nhân là cán bộ soạn thảo đồng thời cũng sẽ là người thực thi chúng trong tương lai.
Tình trạng tham nhũng chính sách, cố tình cài cắm những quy định có lợi cho mình vào pháp luật khiến việc chống tham nhũng ở Việt Nam trở nên vô cùng khó khăn. Nó là một phần nguyên nhân của tình trạng luôn “đúng quy trình” nhưng thực tế lại có những kết quả vô lý, bởi bản thân quy trình đó đã được thiết kế để tạo kẽ hở cho tham nhũng.
Để hạn chế tình trạng này, theo các chuyên gia, ngoài việc đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động, thì cần thiết phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát nguy cơ cài cắm trong xây dựng pháp luật, xây dựng quy trình quản lý.
Vậy, làm thế nào để hạn chế tình trạng này? Làm thế nào để các quy định, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng để có thể hạn chế được những biểu hiện của việc “cài cắm lợi ích” nêu trên, trước hết phải bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; ở từng khâu của quy trình xây dựng, ban hành văn bản phải làm kỹ, chất lượng; đặc biệt phải thu hút được sự tham gia một cách thực chất của nhân dân, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản.
“Một số vụ việc xử lý cán bộ gần đây vì có sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả ngày càng nhiều hơn hạn chế việc cài cắm lợi ích”, ông Thành nhấn mạnh.
Cũng trả lời vấn đề này, một chuyên gia của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, cách tốt nhất để chống cài cắm chính sách là có một bộ phận chuyên môn độc lập làm việc này. Các dự thảo văn bản pháp luật phải được gửi cho đơn vị này để lấy ý kiến trước khi trình ký ban hành. Việc góp ý của đơn vị này tập trung vào các nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, cài cắm chính sách trong dự thảo được lấy ý kiến đó. Đơn vị này cần được đặt độc lập tại một cơ quan ít tham gia vào quản lý nhà nước như Ủy ban Kiểm tra , Ban Nội chính hoặc Kiểm toán Nhà nước.
Nhiệm vụ của đơn vị này thuần túy là nghiên cứu quy định của dự thảo pháp luật, chỉ ra những điểm chưa minh bạch, chưa rõ ràng, định tính, trao quyền quá mức cho cán bộ thực thi trong việc diễn giải pháp luật. Phương pháp làm việc có thể tiến tới chuẩn hóa như cắm cờ đỏ, cờ vàng, cờ xanh tương ứng với các quy định có nguy cơ tham nhũng cao, nguy cơ trung bình, nguy cơ thấp. Việc chuẩn hóa này có thể giúp quan sát được diễn biến của chất lượng văn bản pháp luật của Việt Nam qua thời gian, cũng như so sánh được giữa các bộ ngành, hoặc các tiêu chí khác.
“Đơn vị này không có quyền dừng một dự thảo, nhưng ý kiến của họ phải được báo cáo một cách trung thực, đầy đủ lên cơ quan có thầm quyền ban hành văn bản đó và phải được công khai trước công luận. Chắc chắn, áp lực dư luận, áp lực chính trị sẽ không cho phép một cá nhân có thẩm quyền đặt bút ký vào một dự thảo còn quá nhiều những “cờ đỏ””, chuyên gia của VCCI nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Văn bản của Bộ Y tế và góc khuất của "lobby chính sách"?
17:54, 26/07/2021
"Quy định nhà đầu tư đề xuất dự án PPP tạo cơ hội cho… lobby chính sách"
05:20, 07/05/2020