Tổ chức thực hiện gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
Tổ chức thực hiện là yếu tố then chốt để chính sách do Quốc hội đã quyết định được đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả đúng như mục tiêu đã đề ra.
>>Còn động lực thúc đẩy tăng trưởng, gói hỗ trợ 350.000 tỷ cần thực thi nhanh
Đây là chia sẻ của ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV với DĐDN.
- Để Nghị quyết 43/2022/QH15 đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả, các chuyên gia kinh tế kiến nghị cần thay đổi phương thức quản lý, quản trị, kiểm soát chính sách để gói hỗ trợ đến được với mọi đối tượng. Quan điểm của ông như thế nào về đề xuất này?
Chính sách được đưa ra sau khi đã có sự nghiên cứu rất kỹ từ tình hình thực tiễn. Quốc hội xác định trọng tâm, trọng điểm các đối tượng cần thiết để thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhằm “bù đắp” sự “chững lại” do dịch bệnh.
Các chính sách đưa ra đã đúng, trúng, phù hợp đối tượng. Vấn đề còn lại và quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện, bởi thực tế các chính sách này khi đặt ra cũng đã được Quốc hội “lường trước” về những nguy cơ “tiềm ẩn”, như bất ổn vĩ mô, nợ công, nợ xấu, nợ Chính phủ, lạm phát, các luồng tiền không được sử dụng đúng mục đích, đặc biệt là đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán dẫn đến hình thành nên các “bong bóng” đầu cơ, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thất thoát, đầu tư không hiệu quả... từ đó tạo ra những món nợ mà nền kinh tế phải gánh chịu.
- Như vậy, theo ông chúng ta có cần phải thay đổi phương thức thực hiện hay không?
Chúng ta không cần thay đổi phương thức quản lý, quản trị, chỉ cần vận dụng linh hoạt trong các tình huống, bối cảnh sao cho phù hợp, hiệu quả.
Vấn đề là tổ chức thực thi và giám sát, chủ động, linh hoạt theo sát diễn biến thực tế để tổ chức triển khai và thực hiện. Ví dụ, với các chính sách tiền tệ thì nâng, hạ lãi suất ra làm sao, cung tiền, hút tiền về như thế nào để kiểm soát được lạm phát.
>>Thực thi gói hỗ trợ toàn dân: Lo ngại "ném tiền qua cửa sổ"
Với chính sách về đầu tư, vẫn phải xác định đúng đối tượng đầu tư, vấn đề quan trọng là xác định suất đầu tư, giải ngân vốn đầu tư... Vấn đề là phải tăng cường trách nhiệm, tăng cường hiệu quả công tác giám sát, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, đặc biệt từ phía các cơ quan chức năng trên từng lĩnh vực, trên từng khu vực có thể hấp thụ nguồn lực đầu tư này.
- Gói hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn ngân hàng bằng 40.000 tỷ đồng, nhưng lại tác động đến 2 triệu tỷ đồng vốn vay ngân hàng. Làm thế nào để thực hiện đúng đối tượng khó khăn thực sự, thưa ông?
Với những doanh nghiệp thực sự khó khăn, thậm chí có những khoản vay đã trở thành nợ xấu thì các ngân hàng cũng không dám cho vay. Như vậy, mặc dù doanh nghiệp đang rất cần vốn nhưng lại không đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện vay. Và khi không được vay thì sẽ không được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất, vấn đề này cũng đã được đặt ra.
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp rất khó khăn nhưng không thể tiếp cận gói hỗ trợ, mặc dù chính sách hướng đến hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp càng yếu, càng khó khăn thì càng cần phải hỗ trợ.
Trong thiết kế chính sách yêu cầu có sự phối hợp giữa tài khóa và tiền tệ. Tức là nhà nước cung ra một nguồn tiền để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Và để doanh nghiệp tiếp cận được thì ngân hàng nhà nước cũng đưa ra một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn có thể tiếp cận nguồn vốn, như khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào gặp khó khăn, có nhu cầu vay vốn đều có thể tiếp cận gói chính sách hỗ trợ. Vì có những doanh nghiệp được miễn, giãn, hoãn nhưng điều kiện vay vẫn còn “quá xấu”. Và chúng ta cũng phải chấp nhận.
- Ông có đề xuất gì từ những vướng mắc như vậy?
Thực tế, các chính sách cũng đã tính đến một bộ phận doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ thời gian qua. Do đó, trong quá trình xây dựng chính sách, chúng tôi có đề xuất, đối với một bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt với những doanh nghiệp có vai trò quan trọng của nền kinh tế thời gian qua bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh, trong trường hợp cần thiết cũng phải có chính sách bảo lãnh của Chính phủ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hoặc đẩy mạnh thực hiện chính sách tái cấp vốn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Còn động lực thúc đẩy tăng trưởng, gói hỗ trợ 350.000 tỷ cần thực thi nhanh
12:00, 09/02/2022
Những điểm sáng từ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong năm mới
05:15, 01/02/2022
Thực thi gói hỗ trợ toàn dân: Lo ngại "ném tiền qua cửa sổ"
00:06, 31/01/2022
Thực thi nhanh và hiệu quả gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng
12:00, 30/01/2022