Sử dụng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng như thế nào?

ĐỖ HUYỀN 19/02/2022 00:06

Theo chuyên gia, gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sẽ giúp đột phá nền kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng gói hỗ trợ này như thế nào còn nhiều băn khoăn.

>> Tháo “rào” thể chế, quyết liệt khơi thông gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

Hôm 11/1, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quy mô gói chính sách tài khoá, tiền tệ này khoảng 350.000 tỷ đồng.

Được triển khai trong vòng hai năm, gói giải pháp tài khoá gồm miễn, giảm thuế phí, đầu tư phát triển và một số chính sách tài khoá khác. Trong đó, tăng chi cho đầu tư, phát triển là 176.000 tỷ đồng. Chính sách tài khoá gồm khoản chi cho miễn giảm thuế, trong đó giảm 2% VAT trong năm 2022. Chính sách tiền tệ tập trung giải pháp để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ lãi suất, tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1%.

Với gói hỗ trợ 350 ngàn tỉ đồng thực hiện trong vòng 2 năm 2022-2023, để giải ngân có hiệu quả số vốn ngân sách lớn chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Với gói hỗ trợ 350 ngàn tỉ đồng thực hiện trong vòng 2 năm 2022-2023, để giải ngân có hiệu quả số vốn ngân sách lớn chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, số tiền tung ra một năm vào khoảng 160.000-170.000 tỷ không lớn, nhưng lạm phát có thể tăng 3,5-3,8% năm 2022.

Ông Lực nêu 2 kịch bản. Thứ nhất, nếu năm nay giải ngân 40% và năm sau giải ngân 50% gói, tăng trưởng 2022 có thể đạt 6,5-7%, năm 2023 là 7 và trên 7%. Kịch bản thứ hai, nếu cả hai năm chỉ giải ngân được 70% gói thì GDP 2022 có thể đạt 5-5,5% và 2023 là 6%.

"Quan trọng hiện nay là Chính phủ cần sớm ban hành chương trình phòng chống dịch cập nhật Nghị quyết 128 một cách bài bản, nhất quán hơn. Trong đó, nâng cao chú trọng năng lực y tế. Hiện nhiều bệnh viện công - tư gặp vấn đề rất lớn về trang thiết bị y tế kể cả thuốc men. Đây là câu chuyện cấp bách", ông Lực nêu.

Cùng với gia cố năng lực y tế, để hấp thụ gói ngân sách, vị chuyên gia cho rằng các bộ ngành, địa phương cũng phải sớm ban hành các hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và 11 của Chính phủ. Ông Lực cho rằng, đây là "cơ hội vàng" để cải cách thể chế, đặc biệt là về môi trường đầu tư kinh doanh.

"Tôi biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm hơn đến đầu tư ở Việt Nam so với 2 năm qua", ông nói. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quan tâm đến bối cảnh địa chính trị thế giới, giá hàng hóa như dầu đang tăng, phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ đê kiểm soát lạm phát và những hệ luỵ trong quá trình phục hồi.

>> Chờ đợi giải ngân gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng

PSG. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích, với 350.000 tỷ đồng dùng trong hai năm thì tức chưa đến 5% GDP. Do đó, cần cách thực thi đồng bộ và chọn đúng tọa độ ưu tiên để đạt hiệu quả cao nhất.

"Cần có đồng bộ y tế gắn với kinh tế. Trong kinh tế, khơi thông các nguồn lực cho logistics, tài chính và giải quyết điểm nghẽn lớn về lao động", ông nói. Không chỉ nhắm tọa độ ưu tiên ngành, ông cho rằng TP HCM cũng phải là tọa độ ưu tiên. Nếu tập trung ưu tiên này sẽ tạo sự lan tỏa cho lưu thông nguồn lực.

TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, góp ý 5 giải pháp phục hồi và phát triển nền kinh tế, nhấn mạnh đến mở cửa theo nghĩa rộng nhất, đỉnh cao là mở cửa kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất khai thác của các hãng hàng không miễn là có nhu cầu của thị trường; bên cạnh đó là nâng cấp hạ tầng, đảm bảo an sinh, duy trì kinh tế, tăng cường thể chế.

"Gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỷ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp nêu trên. Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế", ông Lộc nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Chờ đợi giải ngân gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng

    11:00, 13/02/2022

  • Tổ chức thực hiện gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

    03:30, 13/02/2022

  • Những điểm sáng từ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong năm mới

    05:15, 01/02/2022

  • Thực thi gói hỗ trợ toàn dân: Lo ngại "ném tiền qua cửa sổ"

    00:06, 31/01/2022

  • Thực thi nhanh và hiệu quả gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng

    12:00, 30/01/2022

  • Triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350 nghìn tỷ ngay trong quý I/2022

    03:00, 29/01/2022

ĐỖ HUYỀN