"Cần hoá giải sự kháng cự lại xu thế cải cách"

ĐỖ HUYỀN 05/03/2022 04:00

Đó là kiến nghị của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khi nói về môi trường kinh doanh ở thời điểm hiện tại.

>>Doanh nghiệp châu Âu lạc quan vào môi trường kinh doanh Việt Nam

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết 02/2022 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh được ban hành đầu năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho Việt Nam để phục hồi và gia tăng tăng tốc độ tăng trưởng sau đại dịch.

Tuy nhiên, sau 2 năm chùng lại vì COVID-19, có những biện pháp chống dịch khá cực đoan được áp dụng ở đâu đó đã khơi dậy một số giải pháp kiểm soát doanh nghiệp đã bị bãi bỏ từ lâu.

Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 được kỳ vọng như một giải pháp phi tài chính giúp hỗ trợ doanh nghiệp.

Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 được kỳ vọng như một giải pháp phi tài chính giúp hỗ trợ doanh nghiệp.

Thậm chí, có một số biểu hiện kháng cự, làm chậm quá trình cải cách và nỗ lực phục hồi lại một số quyền lợi đã mất ở một số bộ, cơ quan… hay động thái phục hồi lại một số điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Các nỗ lực tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh lúc này là thật đúng thời điểm”, ông Cung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), từ cuối năm 2019, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại. Trên thực tế, nhiều cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi.

Cụ thể, ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng nhưng chưa thực chất. Mặc dù, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ song việc thực thi còn mang tính hình thức. Tại một số địa phương, những nỗ lực cải cách chưa rõ nét, còn hình thức và chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch, họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh”, bà Thảo nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) bày tỏ sự ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. 

Tuy vậy, VINASME cho rằng vẫn còn 4 vấn đề lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa thấy cần tiếp tục cải cách. Chẳng hạn, ông Thân chỉ chấm 5/10 điểm đối với việc phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Tôi thấy nói rất nhiều và nói từ lâu về trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật và dữ liệu lớn… nhưng trên thực tế Việt Nam mới chỉ chập chững nghiên cứu các lĩnh vực này. Hay trên thế giới hiện nay có tới 1.336 thành phố thuộc 61 quốc gia cung cấp dịch vụ 5G, trong đó có 5 nước ASEAN là Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đã triển khai, Brunei đã thí điểm tại 5 địa điểm sân bay, khách sạn, trung tâm mua sắm, còn Việt Nam mới thử nghiệm trong phạm vi hẹp tại một số địa phương", ông Thân lấy ví dụ.

>>Môi trường kinh doanh tốt là hỗ trợ thiết thực nhất

Từ các con số này, Chủ tịch VINASME cho rằng tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất chậm và chưa tận dụng được lợi thế người dùng Internet ở trong nước.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 02, ông Cung đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản hiện có không được đặt thêm các rào cản, không được đi ngược lại những cải cách đã làm trong thời gian qua; yêu cầu các bộ ngành, địa phương giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề, sửa đổi ngay các quy định đang gây khó khăn, tốn kém cho đầu tư, kinh doanh.

“Thời gian đầu không dàn đều nỗ lực cải cách trên tất cả các lĩnh vực, mà kế thừa, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực đã có kết quả bước đầu. Cụ thể cần dành nguồn lực và quan tâm thích đáng để hóa giải phần nào sự kháng cự lại xu thế cải cách cũng như các nỗ lực đang nhen nhóm phục hồi lại những công cụ quản lý nhà nước đã lỗi thời hoặc phục hồi lại một số quyền, lợi ích đã mất trong quá trình cải cách trước đó.

Để thúc đẩy cải cách, các hiệp hội doanh nghiệp không phân biệt trong nước, ngoài nước cần phối hợp, hợp tác hiệp lực, trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm của nhau, ủng hộ lẫn nhau trong đề xuất các sáng kiến, kiến nghị cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành, lĩnh vực liên quan”, ông Cung nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp

    00:23, 28/02/2022

  • Cải thiện môi trường kinh doanh: Gỡ rào cản từ gốc

    05:40, 12/02/2022

  • Môi trường kinh doanh tốt là hỗ trợ thiết thực nhất

    03:30, 10/02/2022

  • Quảng Ninh: Kiên quyết cải thiện môi trường kinh doanh

    10:36, 02/02/2022

ĐỖ HUYỀN