Chính sách nào hoá giải nỗi lo lạm phát?
Các chuyên gia cho rằng cần phải điều hành chính sách tài chính, tiền tệ một cách linh hoạt, nhịp nhàng, hiệu quả nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát.
>>HSBC: Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm tới rủi ro lạm phát liên quan đến nhiên liệu
Ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cần phải điều hành chính sách tài chính, tiền tệ một cách linh hoạt, nhịp nhàng, hiệu quả nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát.
Bình luận về nỗi lo lạm phát trong năm nay, ông Nguyễn Bích Lâm, lạm phát năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là do cầu tăng mạnh trong khi cung thiếu hụt.
Cụ thể, năm nay, tổng cầu tăng đột biến do triển khai gói 350.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng, các gói kích thích từ năm 2021 thẩm thấu; tiêu dùng của hộ gia đình phục hồi tăng trở lại sau một thời gian trầm lắng và giảm sâu…
Trong khi đó, nguồn cung lại thiếu hụt do tình trạng thiếu nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành, đặc biệt nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu. Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng thế giới và trong nước khiến cho giá nguyên vật liệu tăng và đứng ở mức cao nhất là giá xăng dầu, giá chất đốt, điện, lương thực, thức ăn chăn nuôi gia tăng… Cộng thêm sự thiếu hụt lao động, doanh nghiệp phải tăng lương, dẫn tới tăng chi phí và giá thành sản phẩm.
“Có thể thấy, năm 2022, áp lực lạm phát của kinh tế nước ta xuất phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu. Trong đó, yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của nước ta vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô và lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng trong nước”, ông Lâm nhìn nhận.
Phân tích về băn khoăn nguy cơ giải ngân gói hỗ trợ nền kinh tế với quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng sẽ sẽ tác động tới lạm phát khi tạo ra nguồn cung tiền lớn trên thị trường, từ đó tác động tới lạm phát trong năm 2022 và năm 2023, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có nhiều gói hỗ trợ cụ thể, nhìn qua tưởng là sẽ tạo ra cung tiền ào ạt vào nền kinh tế, nhưng thực tế không phải như vậy.
Ông Lâm phân tích rõ, đơn cử như với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thực ra giải pháp này hoàn toàn không cung tiền ra nền kinh tế mà giảm thuế, giảm thu ngân sách. Hoặc gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp cũng không thực hiện bơm tiền vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ nền kinh tế là những giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiên cứu rất kỹ và có kế hoạch triển khai bài bản, đúng liều lượng, do đó sẽ không gây ra áp lực lạm phát từ gói này. Áp lực lạm phát từ gói hỗ trợ này, nếu có chỉ là khi tổng cầu tăng thì phải sử dụng nhiều nguyên vật liệu, đơn cử như việc triển khai gói kích thích đầu tư, qua đó nhu cầu nguyên vật liệu tăng làm giá cả tăng.
Tuy nhiên, việc giá cả tăng này là từ bên cung nguyên vật liệu cho nền kinh tế, chứ không phải áp lực nhiều từ việc cung tiền ra nền kinh tế. Do đó, phải làm sao có giải pháp để đảm bảo đủ nguồn cung, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng để không tạo ra sức ép lạm phát từ gói này.
Ông Lâm khẳng định, việc thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế là rất cần thiết, áp lực lạm phát từ gói hỗ trợ là không đáng ngại. Cụ thể, gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ thực hiện trong 2 năm với cơ cấu: chính sách tài khóa chiếm 83% tương đương với 291 nghìn tỷ đồng; chính sách tiền tệ chiếm 14% tương đương với 52,5 nghìn tỷ đồng (trong đo có gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng); Hỗ trợ khác chiếm 3%.
“Giải ngân gói 350.000 tỷ đồng tác động đến lạm phát chủ yếu do sức ép tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và lạm phát chuỗi cung ứng. Cơ cấu của gói 350.000 tỷ đồng có nhiều gói nên không gây nên lạm phát do cung tiền. Thêm nữa Ngân hàng Nhà nước có giải pháp và kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ nên nhiều năm qua, lạm phát của Việt Nam không do yếu tố tiền tệ”, ông Lâm khẳng định.
Làm rõ hơn về áp lực lạm phát đến từ giá xăng dầu và một số mặt hàng khác, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, giá xăng dầu tăng 60% tính từ đầu năm đến nay. Giá xăng dầu tăng là áp lực rất lớn với nền kinh tế, vì xăng dầu là nguyên vật liệu huyết mạch, tác động làm tăng giá nhiều loại hàng hóa khác.
Về các giải pháp kiểm soát lạm phát, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm chỉ rõ, yếu tố đầu tiên là kiểm soát nguồn cung, vì áp lực lạm phát năm nay đến từ việc thiếu hụt nguồn cung để dáp ứng cho tổng cầu, đặc biệt là cung về xăng dầu. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu xăng dầu tăng 10% sẽ tác động làm lạm phát tăng 0,36%, trong khi đó từ đầu năm đến nay xăng dầu tăng 60% cho thấy áp lực lớn như thế nào.
Bên cạnh đó, trong hai tháng đầu năm, lạm phát tăng 1,68% trong đó xăng dầu đóng góp tới 1,63%. "Do đó, trước hết phải kiểm soát nguồn cung nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu, đây là yếu tố quan trọng", ông Lâm nhấn mạnh.
>>Ba yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát năm 2022
>>Giá dầu thô tăng, lạm phát không thể không tăng
Giái pháp tiếp theo là không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Đối với thị trường trong nước phải có giải pháp để cung ứng vật tư giữa các vùng miền, địa phương được đảm bảo. Đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng giữa thế giới với Việt Nam, đây là thách thức rất lớn.
Cuối cùng, cần phải điều hành chính sách tài chính, tiền tệ một cách linh hoạt, nhịp nhàng, hiệu quả nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát.
Phân tích thêm xung quanh áp lực lạm phát, TS Nguyễn Văn Hiến Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing nhận định, các nước trên thế giới hiện đang có xu hướng tăng lạm phát rõ rệt, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU. Áp lực lạm phát lớn và tiền mất giá liên tục bắt buộc các nước phải thắt chặt tiền tệ cũng như tài khóa để đảm bảo kiềm chế lạm phát. Ở Việt Nam, chiều hướng hơi ngược lại khi chúng ta mở rộng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi với chương trình phục hồi trị giá 350.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, thực tế trong thời gian qua, trước và sau đại dịch, tốc độ lạm phát tại Việt Nam chưa cao, chưa có ảnh hưởng nhiều tới chỉ số, đến đời sống sản xuất, xã hội nên việc mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ, Việt Nam vẫn còn dư địa.
“Tuy nhiên, phải luôn luôn cảnh giác về vấn đề lạm phát, bởi vì nếu mở rộng ra quá thì có thể sẽ làm tác động đến tâm lý của người dân, ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng giá, làm tăng mặt bằng giá lên và lập tức phát sinh tình trạng lạm phát. Đó là điều rất nguy hiểm”, ông Hiến nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
HSBC: Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm tới rủi ro lạm phát liên quan đến nhiên liệu
02:00, 10/03/2022
Ba yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát năm 2022
11:00, 19/02/2022
Giảm thuế VAT tác động ra sao tới lạm phát năm 2022?
07:05, 18/02/2022
Giá dầu thô tăng, lạm phát không thể không tăng
04:45, 11/02/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để điều hành, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát
22:07, 10/02/2022