Vụ xuất khẩu điều có nguy cơ bị lừa: Chọn đối tác là khâu quyết định

ĐỖ HUYỀN 19/03/2022 03:30

Xoay quanh vụ việc nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa, chuyên gia đã nhấn mạnh đến bài học chọn đối tác khi doanh nghiệp giao dịch bằng hình thức D/P.

>> Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Tạm "giải cứu" được 6/36 container

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, chiều 13/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết trong báo cáo đến Thủ tướng về vụ việc 1 số doanh nghiệp điều có dấu hiệu bị lừa đảo khi xuất hàng sang Ý đã khẩn thiết và kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và Interpol Việt Nam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Vinacas cũng khẩn thiết và kính đề nghị các bộ, ngành và Văn phòng Interpol Việt Nam quan tâm, bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc; với mục tiêu: giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được nhận lại hàng.

 Những container điều được chỉ định đến cảng Genoa và cảng La Spezia (Italy), do các hãng tàu Cosco, Yangming, HMM và ONE vận chuyển.

Những container điều được chỉ định đến cảng Genoa và cảng La Spezia (Italy), do các hãng tàu Cosco, Yangming, HMM và ONE vận chuyển.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói rằng, vụ việc này còn có nhiều băn khoăn ở khâu giao - nhận.

Nhưng quan trọng hơn hết, theo Luật sư Huỳnh là trước khi xuất khẩu cần phải hiểu rõ đối tác của mình, phải hiểu được người chơi với mình là ai. Bởi, trên thực tế, ở khắp các châu lục câu chuyện lừa đảo cũng diễn ra rất nhiều, không riêng ở Việt Nam.

Luật sư Huỳnh nhận định, chúng ta cần phải nhìn rõ cái gốc của vấn đề nằm ở đâu. Từ vụ việc 100 container điều xuất khẩu sang Ý, có thể thấy, dù có buôn bán bằng thương mại điện tử thì việc đi tìm đối tác là câu chuyện hàng đầu.

“Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất khẩu. Đối tác có uy tín, thương hiệu làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng, giảm thì họ vẫn mua hàng của mình. Chứ không phải câu chuyện, có người mua trả giá cao hơn thì bỏ đối tác cũ, chọn đối tác mới. Đã có nhiều sự việc tương tự về các mặt hàng nông sản Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng, rủi ro đến thị trường, ngành hàng”, Luật sư Huỳnh nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Huỳnh, trong tất cả các quan hệ hợp đồng thì điều quan trọng nhất là quan hệ bền vững. Muốn có quan hệ bền vững thì cần có đối tác bền vững, mà muốn bền vững thì cần có sự hợp tác của cả 2 bên (người mua, người bán). Việc bội ước hợp đồng để đạt được cái lợi trước mắt của bên bán sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, ảnh hưởng cho cả thị trường, ngành hàng và thậm chí cả quốc gia.

“Chính vì vậy, nước ngoài đưa chỉ số thực hiện hợp đồng là yếu tố để các quốc gia nước ngoài đánh giá chỉ số cạnh tranh của một quốc gia. Tức là chỉ số thực hiện hợp đồng mà thấp, chứng tỏ chi phí quốc gia đó cao, uy tín quốc gia giảm, dẫn đến đối tác sẽ ít tìm đến”, ông Huỳnh nói.

Bên cạnh đó, Luật sư Huỳnh cho rằng, qua vụ việc vừa rồi cần phải có sự phối hợp giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu với các tổ chức có liên quan như hãng tàu, cơ quan có thẩm quyền nước sở tại, Tham tán Thương mại của Việt Nam…

>>>Bộ Công Thương vào cuộc "giải cứu" 36 container điều bị mất kiểm soát

>>>Thủ tướng ra chỉ đạo khẩn cấp về nghi án lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều

Về phương thức thanh toán, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, phương thức L/C thường có thủ tục phức tạp và tốn kém. Do vậy, đối với các hợp đồng mua bán nông sản thường quy mô nhỏ nên không ưu tiên lựa chọn. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ chọn phương thức thanh toán như D/P.

“Trong trường hợp này, nếu trách doanh nghiệp không chọn phương thức thanh toán để giảm bớt rủi ro như phương thức L/C là không thỏa đáng và không phù hợp thực tế. Bởi hơn ai hết, doanh nghiệp sẽ nắm rõ điều gì tốt cho chính họ”, Luật sư Huỳnh nhấn mạnh.

Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, theo Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Italia, các doanh nghiệp đã kiểm soát được 6 bộ chứng từ, còn 30 trong số 36 container nhân hạt điều xuất khẩu bị mất kiểm soát.

Cũng theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, ngay sau khi có doanh nghiệp trình báo sự việc về lô hàng container xuất khẩu hạt điều sang Italy có dấu hiệu bị lừa đảo ngày 5/3, Thương vụ đã đến cảng biển Genova, phía Bắc Italy để làm việc với hãng tàu COSCO và các cơ quan liên quan.

Đáng lưu ý, khi Thương vụ có mặt đã có vài container hạt điều của Việt Nam cập cảng, người mua đã trả phí cảng và nộp bộ chứng từ gốc để đòi nhận những container này.

Hãng vận tải cho hay, theo Luật thương mại quốc tế hãng phải giao hàng cho người nhận có bộ chứng từ gốc để tránh bị kiện.

Trước thực trạng đã nêu, Thương vụ đã giải thích về việc doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị lừa do chưa nhận được tiền mà người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc theo một cách nào đó ở bên Italy. Đặc biệt, Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy đã trực tiếp đến cảng để ngăn chặn vụ việc trên.

Sau khi tham vấn với các luật sư và có sự tin tưởng với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, hãng tàu COSCO đã đồng ý dừng ngay việc giao lô hàng cho người mua.

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Khó can thiệp trực tiếp lên hãng tàu

    15:00, 18/03/2022

  • Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Tạm "giải cứu" được 6/36 container

    00:51, 18/03/2022

  • Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Phòng tránh rủi ro trong thanh toán quốc tế

    05:01, 13/03/2022

  • Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Rủi ro từ phương thức thanh toán D/P

    05:15, 11/03/2022

ĐỖ HUYỀN