Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá
Bên cạnh “kẽ hở” tiền đặt trước, theo các chuyên gia, Luật Đấu giá tài sản còn bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá, gây khó cho tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ bán đấu giá tài sản…
>> Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Sớm bịt “kẽ hở” tiền đặt trước
Theo đó, Điều 72 Luật Đấu giá tài sản quy định, có 5 trường hợp bị hủy kết quả đấu giá tài sản. Tuy nhiên, chỉ duy nhất tại khoản 2 có quy định về thẩm quyền, cụ thể: “Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật này”.
Như vậy, chỉ khi người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 (cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản) mà hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì kết quả đấu giá mới bị hủy.
Từ đó có thể hiểu, nếu như người trúng đấu giá không có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9, thì Tòa án không thể tuyên vô hiệu hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, cho dù 4 trường hợp còn lại theo Luật rơi vào các trường hợp bị hủy kết quả đấu giá tài sản.
>> Rà soát pháp luật: Luật Đấu giá tài sản còn nhiều vướng mắc
Trong khi đó, khoản 2 và khoản 3 Điều 46 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”; và người trúng đấu giá “được coi như chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá kể từ thời điểm đấu giá viên công bố người trúng đấu giá... Kể từ thời điểm này, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Vậy, đối với những trường hợp hợp đồng bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 mà không thuộc trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật Đấu giá tài sản thì xử lý như thế nào? Trường hợp này, Tòa án có được tuyên vô hiệu hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hay không?
Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, sau khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì các bên đã thực hiện quan hệ giao dịch dân sự, nếu hợp đồng, giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự thì được Tòa án tuyên vô hiệu. Tuy nhiên, với cách quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản sẽ vô tình hạn chế thẩm quyền hủy kết quả đấu giá, đối với các trường hợp Tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng, giao dịch dân sự.
Luật sư Phạm Văn Phát – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, những bất cập đã nêu của Luật Đấu giá tài sản không những làm phát sinh việc bỏ sót, không xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản, mà còn gây khó khăn lúng túng cho tổ chức đấu giá tài sản, cơ quan quản lý Nhà nước, người có tài sản đấu giá và người mua tài sản đấu giá khi bị rơi vào các trường hợp cụ thể (quy định tại khoản 1,3,4 và 5 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản), có nhu cầu được tuyên bố hủy kết quả đấu giá tài sản.
“Điều này sẽ càng khó hơn, trong bối cảnh liên quan đến việc đấu giá tài sản đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau về mối quan hệ hành chính hay quan hệ dân sự trong từng giai đoạn đấu giá tài sản”, Luật sư Phát chia sẻ.
Thực tế, câu chuyện Vipico thắng kiện UBND TP. Đà Nẵng vào tháng 3/2020 đối với khu “đất vàng” có diện tích 11.487m2, mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, TP. Đà Nẵng tại 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, có thể được cho bài học về những bất cập liên quan đến thẩm quyền hủy kết quả đấu giá.
Cụ thể, tháng 7/2017, Vipico đã trúng đấu giá khu đất này với mức giá 56.800.000 đồng/m2 (tổng số tiền phải nộp vào ngân sách 652 tỷ). Ngày 12/10/2017, Cục thuế thông báo thời hạn Công ty phải nộp 50% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký thông báo, trong vòng 60 ngày tiếp theo nộp 50% số tiền còn lại.
Tuy nhiên, Vipico chỉ nộp 50% số tiền đúng thời hạn và đến ngày 09/02/2018 mới nộp đủ số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất còn lại vào ngân sách (chậm 52 ngày so với thời hạn).
Tháng 11/2018, UBND TP. Đà Nẵng đã ra quyết định hủy kết quả đấu giá lô đất đã nêu và thu tiền đặt cọc nộp ngân sách, trả lại phần tiền sử dụng đất cùng tiền thuê đất đã nộp của Vipico.
Vipico cho rằng, chỉ phải nộp phạt cho số tiền chậm nộp chứ không thể bị hủy kết quả đấu giá nên đã kiện UBND TP. Đà Nẵng.
Trước những bất cập về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá tài sản tại Điều 72, các chuyên gia khuyến nghị, Luật Đấu giá tài sản phải hoàn thiện về thẩm quyền hủy kết quả đấu giá tài sản đối với từng trường hợp cụ thể, theo hướng giao quyền về Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực tiếp quyết định, khi các trường hợp thỏa mãn điều kiện hủy kết quả đấu giá tài sản theo luật định.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát Luật Đấu giá tài sản: Sớm bịt “kẽ hở” tiền đặt trước
04:00, 25/03/2022
Nghị quyết về hoạt động chất vấn: Cân đối cung cầu xăng dầu, rà soát Luật Đấu giá tài sản
14:14, 24/03/2022
Yên Bái: Vì sao Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản bị bắt?
15:00, 10/11/2021
Rà soát pháp luật: Luật Đấu giá tài sản còn nhiều vướng mắc
04:20, 14/09/2021
VietinBank Đô Thành lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản xử lý nợ
10:27, 05/05/2021