Cách tiếp cận mới trong giám sát thị trường chứng khoán
Dù đánh giá khung pháp lý về giám sát thị trường chứng khoán đã hoàn thiện hơn so với những năm trước đây, thế nhưng, chuyên gia cho rằng, cần cách tiếp cận mới trong giám sát TTCK…
>> Thách thức nào cho thị trường chứng khoán năm 2022?
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam gần đây liên tục phát hiện nhiều vụ thao túng, làm giá. Không chỉ có vậy, lợi dụng mạng xã hội, một số đối tượng đã phát tán những thông tin chưa có kiểm chứng, tin giả mạo gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của TTCK và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Thực tế, quá trình giám sát, thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ việc; đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi hành vi thao túng, nội gián và các vi phạm pháp luật khác như: tạo dựng, lan truyền, cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật liên quan đến hoạt động chứng khoán trên không gian mạng.
Thống kê cho thấy, năm 2020, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt đối với 280 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 19,8 tỷ đồng; có 02 vụ án liên quan đến thao túng TTCK đã được xét xử. Năm 2021, đơn vị này đã ban hành hơn 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (tăng hơn 80 vụ so với năm 2020), với số tiền thu được xấp xỉ 21 tỷ đồng.
>> Sắc đỏ phủ thị trường chứng khoán trong phiên đầu tuần
Theo các chuyên gia, kể từ khi Luật Chứng khoán 2006; Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010 và Luật Chứng khoán 2019 được ban hành đến nay, công tác giám sát các hoạt động diễn ra trên TTCK nói chung, giám sát giao dịch nói riêng không ngừng được củng cố, hoàn thiện.
Trước ngày 01/01/2021 – thời điểm Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thi hành, công tác giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK được tổ chức thành giám sát hai cấp.
Trong đó, sàn giao dịch chứng khoán là đơn vị giám sát cấp 1, thực hiện giám sát tuân thủ trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, nghĩa vụ của thành viên giao dịch, một số đối tượng nhà đầu tư có nghĩa vụ công bố thông tin khi giao dịch; giám sát tuyến đầu đối với giao dịch có dấu hiệu bất thường của nhà đầu tư.
UBCKNN là đơn vị giám sát cấp 2, thực hiện giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK, giám sát tuân thủ đối với hoạt động nghiệp vụ của Sàn giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán; giám sát giao dịch bất thường như thao túng, nội gián...
Trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên theo hai cấp, UBCKNN xem xét xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán trong trường hợp có đủ cơ sở để xử phạt ngay hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra trong trường hợp cần thiết để làm rõ vi phạm.
Từ thời điểm Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực, công tác giám sát thị trường này tiếp tục được củng cố và hoàn thiện.
Các cấp giám sát được phân quyền rõ ràng đảm bảo thống nhất, minh bạch theo hệ thống tiêu chí phân tích báo cáo giám sát giao dịch; Xây dựng hệ thống giám sát kết nối trực tiếp với hệ thống giao dịch của các sở giao dịch chứng khoán, đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo sớm để có thể chủ động hơn trong công tác giám sát, phù hợp với thực tế phát triển của TTCK.
Ngoài ra, công tác giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK còn có sự hỗ trợ của hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MSS) trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến nhà đầu tư trên thị trường, thu thập các báo cáo, dữ liệu giao dịch chứng khoán trên thị trường...
Mặc dù, khung pháp lý về giám sát giao dịch và giám sát tuân thủ được đánh giá đã có sự hoàn thiện đáng kể so với những năm trước đây và tiệm cận với nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vẫn cần cách tiếp cận mới trong giám sát TTCK bởi không phải bất cứ dấu hiệu giao dịch bất thường nào cũng có thể xác định được là giao dịch có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chứng khoán để kịp thời ngăn chăn và xử lý.
Bởi thực tế hiện nay, đa số các vụ việc vi phạm đều có dấu hiệu một hoặc một nhóm nhà đầu tư sử dụng nhiều tài khoản của mình và của người khác thông qua việc mượn tài khoản giao dịch chứng khoán hoặc nhận ủy quyền quản lý, sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán để thao túng thị trường, nhằm trục lợi…
Ông Ketut Kusuma - Giám đốc điều phối chương trình thị trường vốn Ngân hàng thế giới cho rằng, cùng với sự phát triển phức tạp của thị trường tài chính, TTCK ngày càng trở nên rủi ro hơn. Các phân khúc thị trường đang ngày càng được xóa nhòa, do vậy, để công tác giám sát thị trường hiệu quả, các cơ quan quản lý cần tập trung nguồn lực vào các rủi ro trọng yếu của thị trường.
Theo ông Ketut Kusuma, cùng với việc các văn bản pháp quy mới điều chỉnh chứng khoán và TTCK, UBCKNN cần nghiên cứu cách tiếp cận mới đối với phương thức giám sát thị trường thêm hiệu quả.
Còn theo các chuyên gia, để tối ưu hiệu quả giám sát TTCK từ các hành lang pháp lý đã có, Việt Nam nên nghiên cứu một số mô hình tương tự của các quốc gia trên thế giới, thúc đẩy các định chế trung gian tích cực tham gia vào quá trình giám sát giao dịch trên thị trường. Các Công ty chứng khoán cần thiết lập hệ thống giám sát đặt lệnh như một bộ lọc để giám sát và phát hiện những hành vi bất thường của nhà đầu tư ngay từ khi đặt lệnh.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất trong toàn ngành Chứng khoán làm cơ sở để phân cấp và chuyên biệt hóa công tác giám sát, góp phần xây dựng TTCK Việt Nam an toàn, phát triển bền vững, minh bạch và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán trước tin FLC: "Thị trường không quá xấu, có thể điều chỉnh nhẹ"
04:50, 30/03/2022
Chứng khoán lao dốc, cổ phiếu họ FLC dư bán hàng chục triệu đơn vị
15:27, 28/03/2022
Vì sao thị trường chứng khoán phản ứng "yên bình" trước đợt tăng lãi suất của FED?
12:13, 20/03/2022
Tăng vốn điều lệ "khủng", cổ phiếu chứng khoán vẫn kỳ vọng tăng nhiệt
11:30, 21/03/2022
FED tăng lãi suất, thị trường chứng khoán ảnh hưởng ra sao?
05:00, 18/03/2022