Xử phạt vi phạm về an ninh mạng thế nào cho phù hợp?

DIỄM NGỌC 03/04/2022 04:50

Theo chuyên gia, hình thức xử phạt chính về vi phạm an ninh mạng là cảnh cáo và phạt tiền, tuy nhiên, các đặc thù của lĩnh vực này cần thêm một số hình phạt bổ sung để tăng tính răn đe.

>>Nhà đầu tư “tố” mất tiền trên sàn giao dịch Hitoption

Quy định còn chưa đầy đủ...

Thời gian gần đây, lợi dụng việc cấp tài khoản định danh điện tử, một số đối tượng đã tự xưng là công an liên hệ với người dân qua điện thoại, đọc chính xác tên số định danh, ngày tháng năm sinh, để yêu cầu nạn nhân thực hiện cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, rồi từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Những thông tin dữ liệu này của nạn nhân đã bị lộ lọt trên mạng với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Hiện nay, Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn tồn tại sơ hở, thiếu sót

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn tồn tại sơ hở, thiếu sót

Bên cạnh đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option)... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.

Về nguyên nhân, theo Bộ Công an, những tác động của tình hình kinh tế, xã hội đến đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội là một trong các nguyên nhân làm gia tăng tội phạm và phức tạp về an ninh trật tự, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặt khác, các quy định pháp luật trên một số lĩnh vực có liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn tồn tại sơ hở, thiếu sót. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội còn chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chậm được ban hành để thống nhất thực hiện, như: hướng dẫn về “nơi xảy ra tội phạm”, “nơi phát hiện tội phạm” để xác định thẩm quyền điều tra đối với các vụ án, vụ việc mà đối tượng phạm tội chiếm đoạt tiền của bị hại thông qua dịch vụ chuyển tiền nhanh E-banking, ví điện tử... Hành lang pháp lý quy định về tiền “ảo”, tiền kỹ thuật số và các hình thức giao dịch liên quan tiền “ảo”, tiền kỹ thuật số chưa được ban hành. Các quy định về dịch vụ mạng Internet, mạng viễn thông, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi cho nhân dân đăng ký, sử dụng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động và đối phó với sự phát hiện, đấu tranh của cơ quan chức năng.

Việc lừa đảo tài chính, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng có dấu hiệu nở rộ, cần có những hình thức xử phạt thật nghiêm minh để răn đe và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Do đó, Bộ Công an đã ban hành Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo gồm 4 Chương 51 Điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt,... Dự thảo cũng nêu rõ, với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, tổ chức, cá nhân phải chịu hành chính xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền, căn cứ tính chất mức độ vi phạm tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm hành chính, còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.

>>Cần hành lang pháp lý cho sản phẩm dịch vụ an ninh mạng

Tăng tính răn đe

Hiện nay, Dự thảo Nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng đang được Bộ Công an gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan, sau khi chỉnh lý hoàn thiện, dự thảo quy định sẽ được gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ.

Hình thức xử phạt vi phạm bằng tiền thì theo tôi cần mức xử phạt cao hơn hoặc xử lý hình sự theo Luật An ninh mạng sẽ phù hợp hơn

Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội: Hình thức xử phạt vi phạm luật an ninh mạng bằng tiền thì theo tôi cần mức xử phạt cao hơn hoặc xử lý hình sự theo Luật An ninh mạng sẽ phù hợp hơn

Chia sẻ với báo chí, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, xử phạt hành chính trong lĩnh vực này là rất cần thiết để xử phạt nghiêm những đối tượng thực hiện hành vi vi phạm an ninh mạng. Tuy nhiên, cần phải có sự bổ sung cho hợp lý theo tình hình hiện nay, đối với những đối tượng vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng có liên quan đến an ninh quốc gia, đến sinh hoạt đời sống của nhân dân thì cần phải xử lý nghiêm.

“Nội dung Dự thảo thì Ban soạn thảo cơ bản đã đưa ra những nội dung cần thiết, đảm bảo cho việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hình thức xử phạt vi phạm bằng tiền thì theo tôi cần mức xử phạt cao hơn hoặc xử lý hình sự theo Luật An ninh mạng sẽ phù hợp hơn”, vị Đại biểu Quốc hội khuyến nghị,

Về vấn đề này, TS. Đoàn Trung Sơn, chuyên gia an ninh mạng cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả cho phù hợp với Luật An ninh mạng. Đối với cá nhân vi phạm có thể chịu mức phạt lên đến 100 triệu đồng, còn với tổ chức là 200 triệu đồng. Đặc biệt, tăng mức xử phạt hành chính với các tin giả, sai sự thật, về cơ bản là có khung hình phạt cao hơn so với các nghị định xử phạt hành chính khác, nhằm mục đích răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Cũng theo TS. Đoàn Trung Sơn, hiện nay, hai hình thức xử phạt chính được áp dụng chính là cảnh cáo và phạt tiền, tuy nhiên, các đặc thù của an ninh mạng cần thêm một số hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với lĩnh vực an ninh mạng như tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, hoặc đình chỉ hoạt động hành nghề có thời hạn, hoặc buộc khôi phục, buộc gỡ bỏ, buộc đính chính, buộc xin lỗi,... Điều đó đóng vai trò quan trọng như: Thứ nhất, tăng cường tác dụng của hình phạt chính là phạt tiền, hoặc cảnh cáo, loại trừ khả năng phạm tội mới, tăng tính răn đe giáo dục với những hành vi vi phạm.

Thứ hai, là làm đa dạng hóa các biện pháp xử lý, tùy chỉnh cho từng trường hợp cụ thể khác nhau, có chức năng phòng ngừa chung. Việc gián tiếp gây khó khăn hoặc hạn chế sử dụng cung cấp các dịch vụ buộc người vi phạm phải điều chỉnh hành vi cho phù hợp, đặc biệt là với tội phạm thu được nhiều lợi ích kinh tế từ không gian mạng.

“Theo cá nhân tôi, Dự thảo cũng mang lại ý nghĩa lớn, trong đó, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về luật an ninh mạng sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân, xã hội, đưa việc thực thi luật an ninh mạng đi vào đời sống. Dự thảo không chỉ đảm bảo tính khả thi phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và yêu cầu xây dựng văn bản dưới luật, đáp ứng thực tiễn xã hội đang diễn ra. Nếu dự thảo được thông qua sẽ là cơ sở để hoàn thiện Luật An ninh mạng, bổ sung các dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn về việc xử lý vi phạm hành chính, bổ sung phần khuyết của Luật An ninh mạng, tạo ra sự đồng bộ trong các văn bản pháp lý xử lý hành vi vi phạm. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để bãi bỏ các văn bản không phù hợp, giúp cho việc áp dụng luật trên thực tế trở nên khả thi và hiệu quả”, TS. Đoàn Trung Sơn cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần hành lang pháp lý cho sản phẩm dịch vụ an ninh mạng

    08:12, 01/03/2022

  • Quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng còn chưa phù hợp

    03:50, 16/02/2022

  • Dự thảo Nghị định về an ninh mạng còn một số quy định trùng lặp

    03:50, 15/02/2022

  • An ninh mạng là công cụ đáng tin cậy bảo đảm sự phục hồi kinh tế

    15:52, 25/11/2021

DIỄM NGỌC