Giám sát chặt mục đích sử dụng vốn để “siết” tín dụng bất động sản
Để kiểm soát hiệu quả việc tạm dừng giải ngân hoặc không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia cho rằng, cần giám sát chặt mục đích sử dụng vốn…
>> Siết tín dụng đầu tư chứng khoán, bất động sản, tăng cơ hội vốn cho doanh nghiệp
Theo đó, báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 24/3/2022, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đạt 4,4%. Đơn vị này sẽ cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…
Thực tế, khi giá bất động sản không ngừng tăng, “sốt đất” diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước khiến người dân ồ ạt đổ vốn vào, một số ngân hàng đã có những chỉ đạo tạm dừng hoặc hạn chế cho vay vào lĩnh vực này.
Thông tin với báo chí, đại diện ngân hàng Sacombank cho biết, hạn mức tín dụng được tạm cấp trong năm 2022 không nhiều, ngân hàng sẽ hạn chế cho vay bất động sản để tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…
Cùng với đó, Techcombank cũng thông báo, kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản. Theo đó, ngân hàng này sẽ tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3. Các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 01/4.
>> Cần siết tín dụng bất động sản một cách phù hợp
Còn đại diện Agribank cho biết, ngân hàng này không siết chặt mà chỉ hạn chế cho vay đối với kinh doanh bất động sản, bởi dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này ở Agribank hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng dư nợ 1,5 triệu tỷ đồng…
Và trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn phát đi cảnh báo và kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản, đồng thời, yêu cầu các ngân hàng dành ra một tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực này nhằm giảm rủi ro.
Được biết, trong danh mục cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước “khóa cứng” tỷ lệ 8%, tức tỷ lệ cho vay bất động sản không được vượt quá 8% tổng tín dụng chung của ngân hàng. Nếu vượt hoặc tăng trưởng nóng quá sẽ bị “tuýt còi”.
Động thái của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng là rất rõ ràng, thế nhưng, với xu hướng tăng “nóng” như vừa qua tại một số phân khúc trên thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng, cần giám sát chặt mục đích sử dụng vốn vay để hạn chế tình trạng “lách” quy định giải ngân lĩnh vực này.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mỗi ngân hàng có cách điều tiết tín dụng dựa trên hạn mức, đánh giá rủi ro, cân đối tài sản. Khi nhận thấy mức giải ngân cho lĩnh vực bất động sản đã đủ, họ dừng cho vay và sau đó có thể mở lại nếu đánh giá khả năng sinh lợi và kiểm soát rủi ro tốt.
“Cả ngân hàng thương mại và cơ quan điều hành đã “từng trải” với những rủi ro và tổn thất của thị trường từ nhiều năm trước nên giờ đây có cách ứng xử bài bản với bước đi thận trọng, hợp lý”, ông Chung nhận xét.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, vẫn cần tiếp tục sát sao với hoạt động tín dụng, bởi trong thời gian tới, thị trường bất động sản có một số động lực hút vốn nên có thể gây rủi ro nhất định. Trước hết, gói 350 nghìn tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với việc chú trọng giải ngân đầu tư công chắc chắn sẽ có tác động lan tỏa tới thị trường bất động sản. Cũng trong chương trình này, gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40 nghìn tỷ đồng áp dụng 2 năm 2022 – 2023, với định hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, song vẫn cần kiểm soát chặt để tránh việc “lách” cho vay vào lĩnh vực bất động sản.
“Bài học từ gói kích cầu năm 2009 vẫn còn tính thời sự với các cơ quan chức năng và nhiều ngân hàng thương mại nên tôi kỳ vọng sẽ có sự kiểm soát tốt trong thời gian tới”, ông Chung nêu quan điểm.
Còn TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, động thái của một số ngân hàng thương mại không có nghĩa là cả ngành ngân hàng đang siết dòng vốn vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, chủ trương kiểm soát tín dụng bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong vài năm trở lại đây, đặc biệt, khi bất động sản có xu hướng “tăng nóng”.
“Để kiểm soát tốt dòng vốn này, cần “soi” kỹ các khoản vay từ ngân hàng, bởi, có thể trên hồ sơ là vay sản xuất, kinh doanh nhưng thực tế bằng cách nào đó có thể đi vào thị trường bất động sản. Các ngân hàng đã được cảnh báo về rủi ro và có bộ phận kiểm soát vốn tín dụng song vẫn không thể chủ quan”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Trước đó, liên quan đến lĩnh vực này, các chuyên gia cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng cho vay bất động sản ồ ạt của một số ngân hàng, đặc biệt là việc thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp sẽ gây lên hệ lụy cho nền kinh tế.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu không “siết” chặt tình trạng ngân hàng cho vay “sân sau”, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ… thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát.
Vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các Công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, được cho là lời cảnh tỉnh đối với các ngân hàng khi tham gia vào bảo lãnh số lượng trái phiếu lớn của các doanh nghiệp tư nhân.
Có thể bạn quan tâm
Siết tín dụng cho vay bất động sản, doanh nghiệp ảnh hưởng ra sao?
11:00, 05/04/2022
Cần siết tín dụng bất động sản một cách phù hợp
05:00, 19/01/2022
Siết tín dụng đầu tư chứng khoán, bất động sản, tăng cơ hội vốn cho doanh nghiệp
05:30, 07/01/2022
Siết tín dụng bất động sản và xây dựng: Kẽ hở “tín dụng đen” hoạt động?
04:00, 17/05/2021
Giới đầu tư, doanh nghiệp địa ốc "ngấm đòn" siết tín dụng
07:30, 09/12/2019