Chương trình phục hồi kinh tế: Rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực thi

ĐỖ HUYỀN 20/04/2022 03:50

Hiệu quả của việc rút ngắn từ chính sách đến thực thi sẽ quyết định tới hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế.

>>Chính phủ quyết liệt thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh và bền vững

Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chương trình này đang vấp phải 2 vấn đề đó là đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại, cùng với đó là rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô; trong đó, lạm phát là rất lớn...

Thông tin về việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, từ khi ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11), đến nay, nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang được triển khai; đặc biệt là các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế đã thực hiện khoảng 9.000 tỷ đồng.

Phục hồi kinh tế nhanh và bền vững là vấn đề đang được quan tâm.

Phục hồi kinh tế nhanh và bền vững là vấn đề đang được quan tâm.

Bên cạnh đó, một số chính sách mới được ban hành gần đây như Quyết định 08/2022/QĐ của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ chế đặc thù khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ cho các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc-Nam.

Cùng với đó, dự thảo Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại; dự thảo Nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu; dự thảo Quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hành Chính sách Xã hội cũng đã được trình Chính phủ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu các địa phương thực hiện phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật vừa hiệu quả.

Về vấn đề này chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho rằng, tiến độ triển khai đã tốt hơn rất nhiều, nhất là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng, triển khai Chương trình. Để chương trình phục hồi kinh tế phát huy được vai trò và tính kịp thời, cần phải giải quyết ngay vấn đề thực thi, thực hiện tốt chính sách tiền tệ và tài khoá.

Trên thực tế, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã vô cùng quyết liệt trong thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế. Điều này thể hiện, trong vòng 20 ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì Chính phủ đã ban hành chương trình chi tiết về phục hồi kinh tế.

“Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách đã được thực thi sớm thì rất nhiều chính sách hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng và chờ để triển khai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp”, ông Hiếu cho biết.

Dưới góc độ là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ phục hồi, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng đồng tình cho rằng, chính sách đã đúng, trúng rồi nhưng nếu thực thi không tốt thì người hưởng lợi sẽ bị thiệt thòi và không có sự lan toả cho nền kinh tế.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, trong giai đoạn trước có nhiều chính sách, doanh nghiệp phản ánh không tiếp cận được, ví dụ như: chính sách thuế, tín dụng, chính sách cho người lao động…

>>Trao đổi kinh nghiệm phục hồi kinh tế giữa các nước ASEAN

Tuy nhiên, hiện nay đã có những đánh giá tổng kết, các cơ quan đã số hoá một phần, bỏ điều kiện đầu vào, đối tượng được hưởng cũng rõ ràng hơn và đặc biệt sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương đã có sự chuyển mình lớn.

“Hy vọng những chính sách được triển khai trong thời gian tới sẽ không còn xảy ra những tồn tại trên”, ông Hùng cho biết.

Để Chương trình phục hồi kinh tế mang lại hiệu quả tích cực, bên cạnh sự quyết liệt, linh hoạt, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, cần có sự thống nhất của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai chương trình, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ.

“Sắp tới khi có nhiều chính sách triển khai, cần phải tổ chức thực thi hướng đến sự minh bạch, công bằng dễ tiếp cận và đừng biến chính sách trở thành áp lực ngược lại mới đáp ứng được mục tiêu phục hồi hiện nay,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà phục hồi kinh tế Việt Nam diễn biến ra sao trong quý 2?

    00:30, 13/04/2022

  • Trao đổi kinh nghiệm phục hồi kinh tế giữa các nước ASEAN

    04:50, 09/04/2022

  • Chính phủ quyết liệt thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh và bền vững

    18:12, 04/04/2022

  • “Nới” trần làm thêm giờ và bài toán phục hồi kinh tế

    20:04, 27/03/2022

ĐỖ HUYỀN