Gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công
Một số bộ ngành, địa phương chưa nghiêm túc kiểm điểm kỹ, nhất là đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 20%. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi chưa kịp thời, một bộ phận còn né tránh, sợ trách nhiệm…
>>Thủ tướng: Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thể chế đầu tư công
Đó là một trong những nội dung tại báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công và việc kiểm điểm trách nhiệm các bộ ngành địa phương liên quan, vừa được Bộ KH&ĐT gửi tới Thủ tướng.
Còn né tránh, sợ trách nhiệm
Theo đó, chỉ có 19 bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 95%, còn lại chỉ mới giải ngân đạt 50 - 70%. Trong số 28 bộ ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 70% kế hoạch, có 4 đơn vị chỉ đạt tỉ lệ giải ngân dưới 20% gồm Ủy ban Dân tộc, Bộ TT&TT, ĐH Quốc gia TP.HCM và Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Một số cơ quan có tỉ lệ giải ngân dưới 50% như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, TP.HCM… Trong khi đó, một số bộ ngành và địa phương vẫn chưa nghiêm túc kiểm điểm kỹ, nhất là các cơ quan đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch.
"Một số đơn vị báo cáo lý do giải ngân chậm chủ yếu do nguyên nhân khách quan, chưa có hình thức kiểm điểm nghiêm túc về vấn đề không giao được hết kế hoạch năm 2021", báo cáo đánh giá.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 100% kế hoạch do nhiều nguyên nhân như thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc chuẩn bị thủ tục còn thiếu chủ động; tình hình dịch phức tạp, phong tỏa nhiều nơi nên thiếu công nhân; giá vật liệu, vận chuyển đều tăng… Đặc biệt, có tình trạng chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa đánh giá đúng khả năng giải ngân nhưng vẫn quyết định giao vốn. Chậm trễ trong thực hiện giải phóng mặt bằng, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện dự án chưa tốt…
"Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt, chưa nắm chắc tình hình. Năng lực một bộ phận cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế, né tránh, sợ trách nhiệm. Việc phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả. Chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách kịp thời" - Bộ KH&ĐT đánh giá.
Theo Bộ KH&ĐT, trong 461.300 tỉ đồng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách năm 2021 được Thủ tướng giao một lần cho các đơn vị, đến ngày 31/1/2022 đã giải ngân 431.188 tỉ đồng, đạt 93,47% kế hoạch, còn lại 30.111 tỉ đồng, chiếm 6,53% kế hoạch.
Riêng 4 tháng đầu năm 2022, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 18,48% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 7 bộ và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 25%, 71 bộ ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 17%, với 17 đơn vị chưa giải ngân.
Theo Bộ Tài chính, cùng một cơ chế, chính sách nhưng có nhiều đơn vị đạt tỉ lệ giải ngân cao, trong khi lại có tới 17 đơn vị vẫn chưa giải ngân, cho thấy có tình trạng các chủ đầu tư chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
>>Dự án đầu tư công ở Nghệ An vẫn tràn lan dang dở
Khơi thông hạn chế của đầu tư công
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh nhận định ở thời điểm này, nền kinh tế đang rất cần nguồn lực để phục hồi và tăng trưởng trở lại, để làm được điều đó thì cần khơi thông những hạn chế của đầu tư công thời gian qua.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, mục tiêu năm nay không chỉ là cao hơn năm trước, mà còn phải hướng tới hoàn thành 100% kế hoạch đã đặt ra, do vậy, giải pháp cũng cần quyết liệt hơn. “Chúng ta có ba điểm cản trở giải ngân vốn đầu tư công khiến cho câu chuyện chậm phân bổ diễn ra hết năm này đến năm khác”, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế.
Vấn đề thứ nhất, ở quốc tế, các nước đầu tư công và giải ngân từ ngân sách địa phương thủ tục chặt chẽ, Việt Nam cũng vậy, nhưng chồng chéo luật này luật kia. Hơn nữa, quy định nhiều khi không rõ ràng mốc thời gian nên người thi hành có khi hiểu khác nhau hoặc có lý do trì hoãn.
Do đó, theo TS Nghĩa, quy định luật phải nói rõ ràng việc để thực hiện điều đó thì thời hạn thực hiện trong vòng bao lâu, và phải có sự giám sát chặt chẽ việc thực hiện này từ quy trình nhận hồ sơ, xử lý, trả lời. Thực tế, ở Việt Nam việc này đang tùy tiện “người ta muốn xử lý là xử lý, người ta “ngâm” đó cũng được”, đặc biệt, chúng ta không có biện pháp cứng rắn đốc thúc.
Cho rằng việc đền bù giải phỏng mặt bằng là vấn đề nhức nhối nhất trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, theo TS Nghĩa, nó là bài toán vô cùng phức tạp. Lấy dẫn chứng như ở Trung Quốc, đất nông nghiệp không phải là đất của dân mà là của hợp tác xã, nên khi đền bù chỉ có chính quyền và hợp tác xã thỏa thuận là xong. Hay các nước tư bản, thường áp dụng giá cả theo cơ chế thị trường để giải quyết với nhau sòng phẳng và khi đầu tư công trình công cộng thì không được phép trì hoãn giao đất. Vì thế, việc đầu tư ở các nước đó rất thuận lợi.
Còn ở Việt Nam, đã giao quyền sử dụng đất cho dân. Dù có lợi ở một số góc độ nhưng việc thu hồi đất rất phức tạp khi giá thu hồi không được thỏa thuận mà phải theo mức định giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Bởi vậy, ngoài việc có thể không nhận được đồng tình từ người dân, mà còn xảy ra việc chính quyền địa phương thường lấy lý do này vin vào để giải thích cho việc “chậm giải ngân vốn”.
Vấn đề cần tháo gỡ tiếp theo đó là cơ chế đấu thầu. Theo TS Nghĩa, hiện nay đang tồn tại thực trạng, từ khâu chuẩn bị đến khâu tiến hành, đến khi thực thi rất “dài dòng”, không có quy định nào về thời gian thể hiện quy trình này thực hiện trong vòng bao lâu. Không có khung thời gian bắt buộc. Bao lâu tổ chức, tổ chức xong rồi công bố thế nào.
Do đó, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, phải cụ thể hóa một mốc thời gian trong tất cả các quy trình thủ tục và hướng giải quyết tất cả các tình huống xảy ra. “Nếu là vấn đề thường xuyên xảy ra thì càng cần có giải pháp cụ thể. Không thể để trở thành lối mòn và vin trách nhiệm cho những thực trạng chưa giải quyết được”, ông Nghĩa bày tỏ và cho rằng, tất cả những vấn đề trên còn dẫn đến việc “sợ trách nhiệm”, làm giảm hiệu quả của giải ngân đầu tư công.
Vì lẽ đó, chuyên gia này góp ý, việc đầu tiên cần làm là phải cải cách thể chế vì khâu giải phóng mặt bằng khó khăn là vì từ thể chế mà ra. Thực tế, có trường hợp chỉ mỗi việc đền bù giải phóng mặt bằng để làm cổng của ga tàu điện ngầm nhưng 5 năm chưa đâu vào đâu.
Vấn đề thứ hai là xem xét các Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, nhà ở có chồng chéo gì, thì cần phải chỉnh sửa bổ sung bởi hiện vẫn còn nhiều vấn đề, chưa có tầm nhìn xa. Thí dụ, quy định tham gia thầu xây dựng một bệnh viện, đơn vị tham gia phải “đã từng xây dựng bệnh viện”. Việc này có thể loại đi loạt nhà thầu mới có thể có trình độ cao nhưng “chưa từng xây dựng bệnh viện”, nhưng tham gia nhiều công trình lớn khác… Điều này không hợp lý, cứng nhắc!
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, việc chậm phân bổ không mới, hằng năm vẫn chậm do hầu hết các bộ, ngành, địa phương không xây dựng kho dự án nên khâu chuẩn bị kéo dài và chưa bảo đảm chất lượng. Bởi vậy, ông cho rằng, phải tách biệt việc chuẩn bị dự án đầu tư ra khỏi quy trình thực hiện đầu tư để các địa phương và các bộ, ngành có đủ chi phí riêng thực hiện dự án, đủ thời gian để lựa chọn dự án đầu tư hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm