Cần sớm hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư PPP vào y tế
Các chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần sớm hoàn thiện khung khổ chính sách về đầu tư PPP theo đúng thời hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg (quý II/2022)…
>>Đề xuất sửa nhiều luật để “gỡ vướng” cho… dự án PPP
Theo đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã có hiệu lực thi hành hơn 1 năm qua, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các dự án PPP. Trong lĩnh vực y tế, dù cơ hội đầu tư rất lớn nhưng số dự án triển khai theo phương thức này còn hạn chế.
Tính đến nay, cả nước có 63 dự án lĩnh vực y tế đã được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cà Mau, Bến Tre… Trong đó, có 18 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 10 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu khả thi, 8 dự án thực hiện đến giai đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, 3 dự án đã ký kết hợp đồng…
“Đây là con số rất “khiêm tốn” so với tiềm năng và triển vọng thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Một trong những nguyên nhân là chậm ban hành các văn bản hướng dẫn đầu tư PPP vào lĩnh vực chuyên ngành y tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận xét tại một cuộc hội thảo mới đây.
Theo ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội hiện có 60 doanh nghiệp thành viên hoạt động trong lĩnh vực y tế. Theo đánh giá của các thành viên, tiềm năng đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam là đầy hứa hẹn, với nguồn nhân lực năng động, tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng tăng, nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao đang tăng nhanh. Đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tích hợp vào chiến lược hỗ trợ tài chính y tế quốc gia là những lĩnh vực đang được doanh nghiệp mong đợi.
Việc chưa có hướng dẫn rõ ràng về chính sách và chậm triển khai thực thi chính sách, theo ông Torben Minko, là một trong những rào cản đối với việc ra quyết định đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư PPP để mở rộng cơ sở hạ tầng và cải thiện dịch vụ trong lĩnh vực y tế.
>>Đầu tư cao tốc, hạ tầng theo phương thức PPP… “liệu có khả thi”?
Về thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực y tế, bà Vũ Thị Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay có 2 xu hướng, đầu tư theo phương thức PPP và đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Những dự án có quy mô từ 100 tỷ đồng trở lên có thể áp dụng phương thức PPP, còn quy mô nhỏ hơn thì có thể áp dụng theo hình thức xã hội hóa.
Việc đầu tư theo phương thức PPP có thuận lợi hơn về mặt pháp lý do đã có Luật PPP. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế còn phụ thuộc vào quy định chuyên ngành cụ thể. Một số ngành đã triển khai rất tích cực như giao thông vận tải, xây dựng…, nhưng một số ngành còn chậm trễ như y tế, giáo dục... Bên cạnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thì còn có những nguyên nhân từ nội tại từng ngành.
Trong khi đó, đầu tư theo hình thức xã hội hóa có ưu điểm là thời gian chuẩn bị dự án nhanh, sớm thu hồi vốn. Nhưng thực tế triển khai cũng như thông qua công tác hậu kiểm cho thấy, hình thức này còn nhiều nhược điểm cần khắc phục như chưa phân định rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan nên dễ xảy ra tranh chấp, thiếu tính giải trình, cũng như thiếu rõ ràng trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư, chưa đảm bảo cạnh tranh công bằng và minh bạch, phòng tránh tham nhũng, tiêu cực.
Để thúc đẩy hợp tác phát triển phương thức đầu tư PPP, ông Trần Duy Đông cho rằng, ngành y tế cần sớm hoàn thiện khung khổ chính sách về đầu tư PPP theo đúng thời hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg (quý II/2022). Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường đốc thúc các bộ, ngành liên quan để sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý này.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho y tế tư nhân phát triển, trước tiên phải có thể chế đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các nhà đầu tư, cũng như tổ chức thực thi thể chế hiệu quả và nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, phải thiết lập cơ chế chia sẻ hạ tầng dùng chung giữa khu vực công và tư về hồ sơ bệnh án, sức khỏe của người dân cũng như nguồn lực giữa khu vực công và tư.
Đồng thời, cần sớm chuyển đổi chức năng của ngành y tế từ 4 cấp như hiện nay thành 3 cấp, gồm: tuyến đầu - tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyến thứ hai - chăm sóc sức khỏe cơ bản, tuyến thứ ba - chăm sóc sức khỏe chuyên sâu. Trong đó, với nguồn lực có hạn, Nhà nước nên tập trung cho y tế cơ sở và cơ bản để nâng cao sức khỏe người dân, thu hút tư nhân đầu tư vào y tế cơ bản và chuyên sâu.
“Lâu nay, đầu tư công mới chỉ chú trọng đến lĩnh vực khám chữa bệnh, còn một khoảng trống khá lớn trong y tế dự phòng, y tế thử nghiệm... Do đó, đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia”, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế nói.
Có thể bạn quan tâm