Khung khổ pháp lý cho nước sạch - Bài 1: Thị trường vận hành chưa hợp lý

NGUYỄN QUANG ĐỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) 27/05/2022 04:00

Việt Nam đang thiếu khung pháp lý cho thị trường nước sạch, tạo ra nhiều mâu thuẫn, nghịch lý.

>>Báo động nguồn cung cấp nước sạch cho Hải Phòng bị ô nhiễm

Đáng nói tình trạng “tranh tối, tranh sáng” khiến thị trường nước sạch khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm “trục lợi chính sách” cạnh tranh không lành mạnh.

Việt Nam chưa đáp ứng tốt quyền tiếp cận nước sạch cho người dân khi tỷ lệ hộ tiếp cận được nước sạch trên toàn quốc chỉ đạt 52,2%.

Việt Nam chưa đáp ứng tốt quyền tiếp cận nước sạch cho người dân khi tỷ lệ hộ tiếp cận được nước sạch trên toàn quốc chỉ đạt 52,2%.

Lỡ hẹn mục tiêu

Tầm quan trọng của nước sạch cho sức khoẻ, cho sinh hoạt hàng ngày thì quá rõ ràng. Cũng vì thế Liên hiệp quốc và các quốc gia đều coi có nước sạch để dùng là quyền cơ bản của công dân và nhà nước có nghĩa vụ phải đảm bảo cho người dân các quyền đó. Và lưu ý, nước sạch có nghĩa là nước đã qua xử lý, đạt tiêu chuẩn y tế - tức có thể hiểu nước sạch là nước máy.

Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân ở nông thôn có nước sạch để dùng. Nhưng tôi nghĩ, khả năng cao là Việt Nam sẽ ‘lỡ hẹn’ mục tiêu này.

Theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê 2019, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy chỉ chiếm 52%. Đặc biệt, tỷ lệ này ở nông thôn chỉ đạt gần 35%, chênh lệch lớn với thành thị đang ở mức hơn 84%.

Vấn đề đặt ra là vì sao một đất nước có tài nguyên nước dồi dào; sông hồ đa dạng trên cả nước mà tỷ lệ người dân dùng nước máy thấp như vậy? Tôi cho rằng nguyên nhân chính đến từ tổ chức và vận hành thị trường nước sạch. Nước máy là một ‘hàng hoá’ - là hàng hóa công đặc biệt. Thị trường cần có nguyên tắc riêng; có quy định rõ cho các khâu từ sản xuất nước; phân phối, đến bán lẻ; và cần có sự tham gia của tư nhân. Nhưng hiện nay, ở nhiều địa phương, thiết kế và vận hành thị trường rất lộn xộn; không bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân lẫn người tiêu dùng.

Ví dụ, Hà Nội là tiêu biểu. Bởi một loạt những bất ổn của thị trường nước sạch, mà thủ đô - nơi có mạng lưới sông ngòi dày đặc bao quanh; mà mới chỉ có xấp xỉ 35% người dân ngoại thành được dung nước máy.  

>>Doanh nghiệp FDI đầu tư nguồn nước sạch vào Tây Nguyên

Cấu trúc thị trường chưa hợp lý

Trước tiên, trong khi nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đang không đi kèm với một cấu trúc thị trường cung cấp hợp lý. Việt Nam cho phép tư nhân tham gia vào thị trường nhưng chưa phân định rõ ràng giữa công - tư tạo ra nhiều mâu thuẫn, khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư.

Ví dụ, theo quy định, tư nhân được sản xuất, cung cấp nước sạch nhưng để nước đến với hộ dân, cần có đường ống. Tại những khu vực chưa có hệ thống đường ống, chủ yếu là khu vực nông thôn, người dân muốn dùng nước phải đóng tiền xây dựng cho đơn vị cấp nước. Vậy, câu hỏi đặt ở đây là vai trò của nhà nước, tư nhân trong cung cấp dịch vụ cấp nước tại đây là gì?. Người dân khi tham gia đóng góp vào xây dựng đường ống sẽ có thêm những quyền lợi gì trong khi bản chất Nhà nước phải đảm bảo quyền tiếp cận cho họ?.

Với tình huống đó, liệu có nên chỉ cho phép tư nhân tham gia vào khâu “cấp nước”, còn khâu phân phối, bán lẻ do Nhà nước độc quyền quản lý? Còn nếu khâu phân phối thuộc về nhà nước, trong bối cảnh ngân sách thiếu hụt, chúng ta cần cơ chế đầu tư đối tác công tư PPP nào để huy động tư nhân đầu tư vào đường ống?

Trước đây, do tính nhạy cảm của mặt hàng nước sạch, nhiều đại biểu Quốc hội hồi 2019 từng đề xuất đây phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Điều này đặt trong bối cảnh xuất hiện việc nhà đầu tư ngoại mua, nắm giữ cổ phần tại các công ty tư nhân cung cấp nước cũng như sự cố nhiễm dầu thải của Công ty Nước sạch sông Đà. Đề xuất này tiếp tục được các Hiệp hội liên quan nhắc lại vào năm 2020, tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Hiện chỉ có Nghị định 117 điều chỉnh trực tiếp vấn đề quản lý, cung cấp, khai thác nguồn nước.

Thứ 2 là vấn đề về giá cả. Tại 63 tỉnh thành đang có 63 biểu giá nước sạch khác nhau. Nước sạch do Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính và lợi nhuận định mức. Các tỉnh căn cứ vào điều kiện của từng địa phương để quyết định biểu giá cụ thể nhưng không vượt quá khung của Bộ. Công ty nước sạch quyết định giá bán nhưng phải nằm trong biểu giá của tỉnh. Đa số tỉnh quyết định mức giá bình quân đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận tối thiểu 5%.

Thực tế, cũng có tỉnh áp giá nước thấp hơn chi phí sản xuất. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, giá nước sạch tại địa phương là khác nhau do các yếu tố cấu thành giá bán nước sạch như chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, chi phí quản lý doanh nghiệp... là không giống nhau ở các địa phương.

Khảo sát của IPS cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng mức giá bán lẻ nước, đặc biệt nước sinh hoạt thấp. Tại nhiều địa phương, mức giá này ít được điều chỉnh. Đơn cử tại Hà Nội, khung giá này gần 10 năm qua vẫn giữ nguyên.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp FDI đầu tư nguồn nước sạch vào Tây Nguyên

    03:50, 23/03/2022

  • Núp bóng công ty nước sạch, tổ chức đường dây đánh bạc hơn 10.000 tỷ

    16:12, 08/03/2022

  • Báo động nguồn cung cấp nước sạch cho Hải Phòng bị ô nhiễm

    01:56, 01/12/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

    19:39, 25/11/2021

  • Nghệ An có “phung phí” tiền tỷ tại những công trình nước sạch?

    04:20, 07/11/2021

NGUYỄN QUANG ĐỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS)