"Nếu thực hiện tốt dân chủ làm gì có hàng loạt cán bộ bị xử lý"

NGUYỄN VIỆT 14/06/2022 12:38

Tất cả những vụ án tham nhũng, như đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, vụ mua bán Mobifone… đều có điểm chung là thực hiện rất đầy đủ và đúng các quy trình.

>>Làm rõ thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan có tính chất đặc thù

Tuy nhiên, cũng có điều giống nhau là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết. 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận mạnh tại phiên thảo luận về về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ngày 14/6.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu chúng ta công khai dân chủ để mọi người đều biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước. “Qua đó cho thấy, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả quyết định đó tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm như thời gian vừa qua”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất 2 nội dung liên quan đến công khai và phương thức công khai.

Thứ nhất, về công khai, nguyên lý cứ bất kể cái gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước.

Thứ hai, không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới. “Chỉ không công khai những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai, trường hợp còn lại như tất cả các quyết định có liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Góp ý vào nội dung dự thảo luật, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, có hai phạm trù rất lớn, đó là phạm trù dân chủ và phạm trù cơ sở đều là những vấn đề đã được cân nhắc, nhưng khi trao đổi thì vẫn còn nhiều quan điểm.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Xuân An, các cấu trúc của dự thảo luật này đã đáp ứng được phần nào, thể hiện quan điểm của Đảng, tinh thần của Hiến pháp trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân vào trong dự án luật này.

Về tính thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan đến giữa luật này (gần 20 dự án luật khác liên quan), theo đại biểu Trịnh Xuân An, việc rà soát để bảo đảm tính thống nhất cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Về tính khả thi của dự thảo luật, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, cần đánh giá kỹ tính khả thi để tránh quy định mang tính chất liệt kê và mang tính chất của nghị quyết hơn là văn bản quy phạm pháp luật.

>>Dân chủ ở cơ sở: Phải có luật để thực hiện, tránh hình thức, phô trương

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai).

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai).

Bàn về cơ sở xã, phường, thị trấn nhưng trong dự án luật thường nhắc nhiều đến thôn, tổ dân phố. Do đó, cần làm rõ phạm vi về mặt cơ sở để bảo đảm tính khả thi này. Đồng thời, cần quan tâm đến nguồn lực cũng như việc chi trả, hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác triển khai các quy định liên quan đến dân chủ.

Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Xuân An quan tâm đến 3 đối tượng trong dự thảo luật, đó là tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận và trưởng thôn.

“Đây là những đối tượng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng nếu theo quy định trong dự thảo họ thực hiện nhiều nhiệm vụ. Cho nên, tôi đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến các đối tượng này để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện dân chủ cơ sở”, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng góp ý về phạm vi điều chỉnh, có nên quy định doanh nghiệp hay không? Đại biểu đề nghị ban soạn thảo rất cân nhắc vấn đề này, bởi hiện có doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có 50% vốn nhà nước.

Nếu chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước thì tại sao người lao động trong doanh nghiệp nhà nước lại khác với người lao động của khối tư nhân, khối FDI?

Nếu phân biệt dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước thì vô hình chung đã tách dân chủ ở hai khu vực này, vì vậy ban soạn thảo cần cân nhắc vấn đề này.

Ngoài ra, đại biểu Trịnh Xuân An cũng nêu quan điểm đề nghị không quy định mô hình thanh tra nhân dân trong dự thảo luật. Bởi chế định về thanh tra nhân dân rất hình thức và lâu nay dường như “bỏ quên” chế định này trong Luật Thanh tra.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng quan tâm đến thực hiện dân chủ ở cơ sở thông qua các trang mạng xã hội. “Chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số trong thời đại công nghệ, đề nghị cần có một chương riêng về việc thực hiện dân chủ sở thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin áp dụng trang mạng xã hội hiện nay”, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Các tình huống pháp luật: Quy chế dân chủ tại cơ sở được ban hành như thế nào?

    03:00, 30/05/2022

  • Bác Hồ và thiết chế dân chủ

    04:00, 19/05/2022

  • Làm rõ thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan có tính chất đặc thù

    10:48, 30/03/2022

  • Dân chủ ở cơ sở: Phải có luật để thực hiện, tránh hình thức, phô trương

    13:13, 23/03/2022

NGUYỄN VIỆT