Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: “Góc khuất” giá sách giáo khoa

GIA NGUYỄN 15/06/2022 04:00

Bên cạnh kiểu phát hành “bia kèm lạc”, xoay quanh vấn đề sách giáo khoa được cho còn nhiều góc khuất, đặc biệt, là vấn đề chi phí cấu thành giá…

>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”

Theo đó, từ năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được triển khai từ lớp 1; Đến năm học 2021 - 2022, chương trình tiếp tục được thực hiện ở lớp 2 và lớp 6; Năm học tới đây sẽ là lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, năm học 2020 – 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa mới, trong đó chỉ riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) đã có 4 bộ là bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”; bộ “Chân trời sáng tạo”; bộ “Cùng học để phát triển năng lực”; bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Bộ sách còn lại là “Cánh Diều”, sản phẩm hợp tác của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm Thành phố và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, đến năm học 2021- 2022, chỉ còn 3 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu gồm bộ “Cánh diều”, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Chân trời sáng tạo”.

Năm học 2021 - 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện ở lớp 2 và lớp 6 - Ảnh minh họa

Năm học 2021 - 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện ở lớp 2 và lớp 6 - Ảnh minh họa

Đáng nói, sau sự việc “khai tử” 2 bộ sách đã nêu, giá SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình mới của tất cả các NXB đều tăng gấp 2 - 3 lần so với chương trình hiện hành. Điều này gây áp lực không nhỏ với phụ huynh học sinh trước khi năm học mới bắt đầu. Bên cạnh nỗi lo về giá thành SGK tăng đột biến, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc sử dụng SGK hiện nay đang gây lãng phí vì gần như SGK cũ không thể tận dụng cho những năm học tiếp theo.

Giải thích cho giá SGK mới cao gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình cũ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Kim Sơn đã cho rằng, sách mới có “khổ to, giấy đẹp”…

Trong khi trước đó, chính Bộ GD&ĐT cho rằng, điểm khác biệt của chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với chương trình hiện hành (cũ) là việc dạy học dựa vào chương trình, được thống nhất trên toàn quốc. SGK chỉ là một tài liệu chính để dạy học. Vậy thì điều gì là cơ sở cho việc bắt buộc SGK phải “khổ to, giấy đẹp”, phải “nhiều hình, nhiều màu”?

Khi việc đa dạng hóa biên soạn SGK được đưa vào Luật Giáo dục 2019, nhiều người kỳ vọng các nhà trường có nhiều lựa chọn chất liệu dạy học, người dân có nhiều sự lựa chọn để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.

Thế nhưng, trên thực tế, “đồng phục” sách mới với “khổ to, giấy đẹp, giá cao” đang làm khó cho người dân, còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì chỉ có thể giải thích cho tính hợp lý của việc doanh nghiệp kê khai giá sách.

>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục

Giá sách tăng cao gây áp lực không nhỏ với phụ huynh học sinh trước khi năm học mới bắt đầu - Ảnh minh họa

Giá sách tăng cao gây áp lực không nhỏ với phụ huynh học sinh trước khi năm học mới bắt đầu - Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề in ấn SGK tại NXB Giáo dục Việt Nam, giá bán sách là một trong những vấn đề luôn được quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của học sinh, phụ huynh. Thế nhưng, phía sau câu chuyện này vẫn là nhưng “góc khuất” cần được công khai, minh bạch.

Trước đó, thông tin với báo chí, một đại diện NXB Giáo dục Việt Nam từng cho biết, cơ cấu giá thành cho việc xuất bản, phát hành (sách giáo khoa, sách tham khảo, vở bài tập?), giấy và công in chiếm 65%, phát hành chiếm 20%, 15% là cho chi phí nhân công và quản lý.

Điều này cho thấy, nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất là chi phí mua giấy để in sách và đây là một trong những yếu tố tạo nên giá thành sản xuất và quyết định đến giá bán của sách giáo khoa. Số lượng giấy NXB Giáo dục Việt Nam sử dụng hàng năm ước tính hơn 40.000 tấn với giá trị ước tính gần 1.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, với số lượng nguyên liệu đầu vào lớn như vậy, việc đấu thầu rộng rãi, minh bạch sẽ giúp giảm giá thành SGK.

Tuy nhiên, vào tháng 10/2021 đã có những lùm xùm khi có nhà cung cấp giấy in kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT việc Công ty này không được tham gia chào hàng, đấu thầu cạnh tranh cung cấp giấy in sách giáo khoa cho NXB Giáo dục Việt Nam mặc dù đã 2 lần gửi công văn đề nghị.

Việc, đấu thầu cạnh tranh công khai và minh bạch là giải pháp tốt nhất để tìm được các nhà cung cấp giấy in đảm bảo chất lượng với giá thấp nhất, và chỉ có như vậy mới có thể giảm tối đa chi phí giá thành, giảm gánh nặng cho xã hội và mang về lợi nhuận cho chính NXB này, tại sao lại có chuyện doanh nghiệp tham gia chào hàng bị ngó lơ?

Dư luận hoài nghi về những

Dư luận không khỏi hoài nghi về những "góc khuất" trong cấu thành giá SGK - Ảnh minh họa

Được biết, thời điểm đầu năm học 2018 - 2019, một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng khan hiếm, “cháy hàng” SGK; đặc biệt là các bộ SGK đầu cấp cho học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10. Tháng 9/2018, Bộ GD&ĐT đã tiến hành việc kiểm tra về vấn đề in ấn, phát hành sách giáo khoa năm học 2018 - 2019 tại NXB Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, kết quả của đợt kiểm tra này vẫn rất khó tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Không chỉ có vậy, từ ngày 22 - 24/12/2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ mười. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó có nội dung về Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bên cạnh những ưu điểm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2016 - 2021 có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; công tác tổ chức cán bộ; tham mưu xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách; biên soạn sách giáo khoa; đầu tư công… Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng cần được tiếp tục kiểm tra, làm rõ.

Trước thông tin này, dư luận và đặc biệt là các bậc phụ huynh kỳ vọng Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ làm sáng tỏ những “góc khuất” trong công tác biên soạn sách giáo khoa.

Thông tin với cơ quan báo chí bên hành lang Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Kim Sơn cho hay, NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, NXB cũng có những vấn đề cần kiểm tra, làm rõ. Vì vậy, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của NXB Giáo dục Việt Nam nói chung và quá trình xuất bản SGK nói riêng.

“Tôi đã chỉ đạo triển khai việc này từ 2021 và hiện nay các cơ quan liên quan đang thực hiện nhiệm vụ. Khi có kết quả cụ thể, sẽ thông tin đầy đủ”, ông Sơn chia sẻ.

Xoay quanh câu chuyện SGK giá cao, Đại biểu Phan Viết Lượng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong giải trình của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Kim Sơn đưa ra “sách cứng, bìa đẹp, màu tốt, giá cao” cũng có phần đúng, tuy nhiên, phải rà soát lại xem giá cao như vậy có hợp lý chưa và có cần thiết phải in “quá đẹp”, “quá chất lượng” như vậy không?

Ở đây phải đảm bảo giá cả hợp lý, đồng thời phù hợp với điều kiện, tuổi thọ sử dụng của SGK. Nếu sách sử dụng 1 năm 1 lần thì cần gì phải tốt, đẹp và sách sử dụng tại các vùng khó khăn thì đâu cần phải dày, đẹp. Phải có tính toán, rà soát lại bởi đây là dịch vụ cần thiết, thiết yếu với số lượng bản in lớn nên Nhà nước phải có chính sách quản lý giá ở mức phù hợp cho người sử dụng và cần thiết hỗ trợ giảm cho người học, phụ huynh.

Theo ông Lượng, SGK cũng nên coi là mặt hàng thiết yếu để định giá cho phù hợp, và không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được.

Cho ý kiến cụ thể đối với công tác quản lý giá vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm; dịch vụ khám chữa bệnh; học phí, sách giáo khoa… mới đây, Phó Thủ tướng - Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh, yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực; tính toán thận trọng lộ trình tăng học phí, nhất là đối với những cơ sở giáo dục công lập; nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá SGK phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.

Và trong Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu với NXB Giáo dục Việt Nam và các NXB có SGK đã được phê duyệt, tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành; kịp thời in ấn, phát hành bảo đảm đủ số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh; báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành trước khi phát hành hoặc tái bản.

Còn nữa…

Có thể bạn quan tâm

  • Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”

    Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”

    04:00, 14/06/2022

  • “Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục?

    “Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục?

    04:30, 13/06/2022

  • Những “ung nhọt” của ngành giáo dục

    Những “ung nhọt” của ngành giáo dục

    04:00, 13/06/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chú trọng dạy và học Lịch sử ở bậc giáo dục phổ thông

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chú trọng dạy và học Lịch sử ở bậc giáo dục phổ thông

    20:46, 08/06/2022

  • Ngăn chặn bạo lực học đường: Nền tảng giáo dục mới là giải pháp

    Ngăn chặn bạo lực học đường: Nền tảng giáo dục mới là giải pháp

    00:06, 06/06/2022

GIA NGUYỄN