“Đại phẫu” tư duy quy hoạch
Cần thay đổi mục tiêu và đối tượng của quy hoạch với quan điểm rằng phát triển là công việc của thị trường và người dân, Nhà nước chỉ quản lý việc sử dụng các nguồn lực có sẵn để phục vụ phát triển.
>>Không tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch
Đó là quan điểm của Luật sư Nguyễn Tiếp Lập, Thành viên sáng lập NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khi chi sẻ với DĐDN.
- Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các quy hoạch hiện nay, thưa ông?
Bàn về chất lượng các quy hoạch, tôi muốn đặt câu hỏi chúng ta bàn cái gì? Tôi cho rằng vấn đề bao trùm là tính bất khả thi của các mục tiêu do quy hoạch đề ra.
Điều này là cái gốc của hàng loạt vấn đề như quy hoạch treo hay sự điều chỉnh, sửa đổi liên tục và sự chồng chéo, không tương thích giữa các quy hoạch khác nhau, từ quy hoạch quốc gia đến quy hoạch vùng và địa phương, từ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến các quy hoạch ngành, lĩnh vực.
- Trên thực tế, nhiều quy hoạch dù vừa được cập nhật nhưng ngay lập tức đã bộc lộ bất cập, thưa ông?
Nói đơn giản, quy hoạch được cập nhật tức là sự phản ánh các điều kiện khách quan đã thay đổi. Bởi đó là quy hoạch trung hạn và dài hạn được lập ra trên cơ sở các giả thiết và giả định chủ quan nhưng không đúng.
Nhưng rồi việc cập nhật đó lại nhanh chóng lỗi thời thì có nghĩa rằng một lần nữa, các điều kiện khách quan ấy lại thay đổi nhanh hơn và khác hơn so với nhận thức và ý chí chủ quan của nhà lập quy hoạch. Các bất cập bộc lộ ra là quy hoạch mới được điều chỉnh lại sớm lỗi thời, dẫn đến không thực hiện được.
Vậy, nguyên nhân hay lỗi theo tôi không hoàn toàn thuộc về các chuyên gia xây dựng quy hoạch, mặc dù đó có thể không phải là những người thật sự tài giỏi như mong muốn, mà sâu sa hơn là tính bất khả của nhận thức và năng lực của họ.
Cho nên, thay vì đi tìm kiếm năng lực thì theo tôi hãy thay đổi cả cách tư duy và tiếp cận về quy hoạch.
- Vậy, theo ông, những yếu tố nào quyết định đến công tác quy hoạch?
Chúng ta đã bàn nhiều về chủ đề này và dường như tập trung vào nâng cao năng lực và chống tham nhũng, tiêu cực với mục đích hạn chế các lợi ích nhóm. Riêng tôi cho rằng yếu tố quyết định là đặt lại vấn đề quy hoạch để làm gì?
>>Không điều chỉnh quy hoạch chạy theo lợi nhuận nhà đầu tư
Một khi ý thức rằng nó là các đạo luật và xét trong bối cảnh kinh tế thị trường khi các mong muốn, ý chí của Nhà nước lại được thực hiện bởi các nhà đầu tư tư nhân với quyền tự do, tự chủ quyết định về chính nguồn lực của họ.
Từ việc trả lời câu hỏi đó một cách rõ ràng và sòng phẳng, chúng ta có thể thay đổi tư duy và cách làm quy hoạch.
- Có ý kiến đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về quy hoạch nhằm giải quyết tốt hơn câu chuyện chất lượng. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Bàn thêm về chức năng và thẩm quyền của Ban chỉ đạo này, tôi xin đóng góp các thiển ý của mình thế này.
Khi bàn về làm luật về quy hoạch, cần trả lời những câu hỏi quan trọng như: Ai có thẩm quyền ban hành quy hoạch? Quy trình xây dựng có dân chủ để bảo đảm quyền tham gia của người dân không? Và một khi nó tác động gây thiệt hại đến đời sống của người dân và các quan hệ thị trường thì cần phải xử lý như thế nào?
Nhà nước đương nhiên có thẩm quyền và trách nhiệm ban hành quy hoạch với tư cách là nhà quản trị quốc gia, nhất là trong điều kiện Nhà nước Việt Nam còn là chủ sở hữu đại diện về đất đai. Điều này có ý nghĩa thực tế bởi mọi thứ hữu hình đều tồn tại trên đất.
Tuy nhiên, cần phân định rõ thẩm quyền của trung ương và địa phương hơn nữa để tránh chồng chéo và lạm quyền như thời gian qua, người dân, các tổ chức xã hội, các nhà chuyên môn cần được tham gia hơn nữa vào quá trình quy hoạch, bởi nhiều quy hoạch thời gian qua vừa độc đoán lại vừa không phù hợp với sự vận động khách quan của đời sống.
Ngoài ra, cũng vẫn phải nói đến đối tượng của quy hoạch là gì? Cần thay đổi mục tiêu và đối tượng của quy hoạch với quan điểm rằng phát triển là công việc của thị trường và người dân, Nhà nước chỉ quản lý việc sử dụng các nguồn lực có sẵn, bao gồm sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên để phục vụ phát triển. Theo định hướng đó, mô hình thành lập các hội đồng quy hoạch ở cấp trung ương và địa phương, tinh gọn và ít tốn kém, thay cho việc lập quy hoạch theo từng ngành riêng rẽ sẽ là phù hợp.
- Vậy, làm thế nào để quy hoạch trở nên đồng bộ hơn, thưa ông?
Trên thực tế, tôi e rằng vẫn có sự nhầm lẫn giữa công tác lập quy hoạch và thẩm quyền ban hành và thực thi quy hoạch. Xây dựng quy hoạch là công việc chuyên môn của các chuyên gia và nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, việc khai thác các năng lực dự báo của họ đóng vai trò quan trọng nhất. Hoàn toàn không giống với trước kia khi quy hoạch, kế hoạch là đặc quyền chính trị và chịu sự áp đặt từ trên xuống. Do đó, có thể nói các bộ, ngành khi bận rộn với chức năng chính là quản lý hành chính trong lĩnh vực phụ trách thì rất khó có khả năng tốt để làm quy hoạch.
Việc ban hành quy hoạch lại thuộc phạm trù khác, bởi khi đó cần có cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển tải các quy hoạch thành công cụ pháp luật để quản lý trên cơ sở cân đối các lợi ích. Cũng từ góc độ pháp luật, cần hiểu rằng quy hoạch, một khi đã được thông qua, sẽ ràng buộc tất cả các chủ thể liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các tổ chức kinh tế và người dân.
Do đó, việc tránh cho các cơ quan, bộ, ngành xây dựng và ban hành quy hoạch riêng rẽ chính là một nguyên lý chung nhằm tránh xung đột về lợi ích, đồng thời bảo đảm trật tự, kỷ cương của Nhà nước và xã hội.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Không tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch
11:11, 18/06/2022
Quảng Nam quy hoạch đường ven biển phát triển du lịch kết hợp công nghiệp
00:07, 10/06/2022
Quy hoạch thiếu đồng bộ “cản bước” nhà đầu tư
14:09, 08/06/2022
Những dự án nào “phá nát” quy hoạch trên đường Lê Văn Lương?
00:06, 08/06/2022
Bất cập quy hoạch cảng biển
04:50, 07/06/2022
Đường Lê Văn Lương - Hà Nội nhồi cao ốc tăng 6 lần: Bất cập công tác quy hoạch
01:46, 07/06/2022
Hà Nội: Loạt sai phạm "băm nát" quy hoạch trên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu
00:46, 07/06/2022