Làm từ thiện nên... “mở sổ”
Quy định về kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện sẽ hạn chế việc thất thoát, gian lận trong quá trình thực hiện từ thiện. Tránh “lời ong, tiếng ve”, lùm xùm liên quan tới hoạt động từ thiện.
>>Vụ nghệ sĩ không ăn chặn từ thiện: Luật sư nói gì?
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bày tỏ về việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 41/2022 hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện, có hiệu lực từ 1/9 tới.
Cụ thể, tại Điều 3 Thông tư 41 nêu rõ tất cả tổ chức, cơ quan, đơn vị có hoạt động liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện hoạt động xã hội, từ thiện thì đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán và minh bạch thông tin.
Đối với cá nhân có hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn từ thiện.
Còn tại Điều 8, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện mà không tổ chức kế toán riêng thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị theo chế độ kế toán hiện hành mà đơn vị đang áp dụng.
Đồng thời, đơn vị làm từ thiện phải mở sổ chi tiết theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động từ thiện, gồm các khoản đã tiếp nhận, các khoản đã phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho mục đích xã hội, từ thiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng.
Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền đơn vị phải ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản đã tiếp nhận theo thời gian đóng góp thực tế, chi tiết theo nhà tài trợ. Đơn vị phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị.
Đối với tài trợ bằng hiện vật, đơn vị tiếp nhận chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ nhận hỗ trợ.
Đơn vị phải hạch toán ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ và việc phân phối số hiện vật này trên cơ sở bảng kê, chứng từ có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương theo quy định của pháp luật...
Về nguyên tắc mở sổ, Thông tư 41 quy định sổ kế toán phải được mở vào đầu kỳ kế toán năm hoặc ngay sau khi có quyết định thành lập và bắt đầu hoạt động của đơn vị. Sổ kế toán được mở đầu năm tài chính mới để chuyển số dư từ sổ kế toán năm cũ chuyển sang và ghi ngay nghiệp vụ kinh tế, tài chính mới phát sinh từ ngày 1/1 của năm tài chính mới. Đơn vị được mở thêm các sổ kế toán chi tiết theo yêu cầu quản lý của đơn vị.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, trước những yêu cầu của thực tiễn trong thời gian qua về hoạt động xã hội, từ thiện cần phải có thông tư hướng dẫn chế độ kế toán để các tổ chức, đơn vị, cá nhân áp dụng. Việc này nhằm đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, giải trình được một cách rõ ràng các khoản thu, chi.
“Muốn minh bạch, rõ ràng phải có sổ kế toán, hạch toán, phải có báo cáo tài chính. Có như vậy mới thấy rõ được dòng tiền đến, dòng tiền đi, dễ dàng đối chiếu, kiểm tra có sự thất thoát hay không”, ông Long nói.
Vẫn theo PGS.TS Ngô Trí Long, quy định về nguyên tắc kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện sẽ hạn chế việc thất thoát, gian lận trong quá trình thực hiện từ thiện.
"Khi hoạt động này được công khai, minh bạch, rõ ràng sẽ tránh được những "lời ong, tiếng ve", những lùm xùm về việc kêu gọi quyên góp từ thiện", ông Long bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Vụ nghệ sĩ không ăn chặn từ thiện: Luật sư nói gì?
20:00, 29/01/2022
Trung tướng Tô Ân Xô nói gì về việc xử lý cá nhân tố cáo sai nghệ sĩ chiếm đoạt từ thiện?
19:57, 28/01/2022