Luật Phòng, chống rửa tiền: Những bất cập cần sửa đổi

KHÔI NGUYÊN 26/07/2022 00:06

Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Phòng, chống rửa tiền đã bộc lộ những hạn chế dẫn đến sự chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai, chưa phù hợp với thực tiễn…

>>Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

hihih

 Công tác Phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ảnh minh họa

Theo đó, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền.

Cùng với Bộ luật Hình sự 2009 (đã được thay thế bằng Bộ luật Hình sự 2015) và các văn bản hướng dẫn đã tạo lập hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, đầy đủ về lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, giúp công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Phòng, chống rửa tiền đã bộc lộ những hạn chế dẫn đến sự chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai, chưa phù hợp với thực tiễn và chuẩn mực quốc tế mới về phòng, chống rửa tiền, cần được nghiên cứu, hoàn thiện.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, có 5 vấn đề bất cập trong quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền cần phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Thứ nhất, một số lĩnh vực, hoạt động có rủi ro rửa tiền cao chưa được quy định là đối tượng báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Quy định về đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền chưa theo kịp sự phát triển trong các hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế. Theo đó Luật Phòng, chống rửa tiền hiện chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền như: cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, cung cấp dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo, dịch vụ cầm đồ... Hạn chế này xuất phát từ việc thời điểm Luật Phòng, chống rửa tiền được ban hành một số lĩnh vực chưa xuất hiện ở Việt Nam hoặc Luật chưa quy định rõ nên chưa có cơ sở để tổ chức triển khai.

Thứ hai, thiếu các quy định về đánh giá rủi ro và áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro trong công tác phòng, chống rửa tiền. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành và tại từng tổ chức và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của các bộ, ngành. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền được nêu ra tại Khuyến nghị số 1 trong bộ 40 Khuyến nghị của FATF về Phòng, chống rửa tiền được Đoàn đánh giá đa phương của APG khuyến nghị bổ sung để khắc phục những khuyết thiếu trong cơ chế phòng, chống rửa tiền.

Thứ ba, quy định về các biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng đối với đối tượng báo cáo vẫn còn những hạn chế, thiếu hụt so với yêu cầu tại 40 khuyến nghị của FATF về các biện pháp ngăn ngừa rửa tiền mà đối tượng báo cáo phải áp dụng, như: Quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) không điều chỉnh đối với PEPs trong nước - là nhóm đối tượng khách hàng có rủi ro rửa tiền (từ tham nhũng) cao; Các quy định áp dụng đối với các thỏa thuận ủy quyền hiện chưa đầy đủ và chưa rõ ràng; Quy định về các dấu hiệu cảnh báo về giao dịch đáng ngờ mới trong một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản, lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể; Quy định về khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới còn chưa đầy đủ, rõ ràng; Các quy định về nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi và nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ, hoạt động ngân hàng đại lý, chuyển tiền điện tử, kiểm soát nội bộ, tiết lộ thông tin, dựa vào bên thứ ba... còn hạn chế, thiếu hụt, chưa đáp ứng yêu cầu trong khuyến nghị của FATF.

Thứ tư, quy định về việc thu thập, xử lý và chuyển giao, trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền chưa thể hiện rõ các quy trình nghiệp vụ cơ bản, chưa bao quát hết các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của đơn vị đầu mối và NHNN như công tác giám sát, cảnh báo, trao đổi thông tin với các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước trong thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền.

Thứ năm, quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền còn thiếu và chưa rõ ràng. Xuất phát từ hoạt động quản lý nhà nước, hiện nay tại một số lĩnh vực chưa có sự phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước như lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý, do đó chưa có quy định rõ ràng về cơ quan có trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng kinh doanh các loại kim loại quý, đá quý khác. Bên cạnh đó, khi các đối tượng báo cáo mới được bổ sung, Luật Phòng, chống rửa tiền cũng cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền đối với các lĩnh vực mới phát sinh này.

>>Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền khắc phục những bất cập, hạn chế

hihi

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, Luật Phòng, chống rửa tiền đã bộc lộ những hạn chế dẫn đến sự chưa đồng bộ. Ảnh minh họa

Trao đổi xung quanh đề xuất kiến nghị để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền cần mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo trong công tác phòng, chống rửa tiền để bao quát các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, đảm bảo các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền phải thực hiện các nghĩa vụ về phòng, chống rửa tiền.

Đồng thời, cần bổ sung các quy định về định kỳ đánh giá rủi ro về rửa tiền quốc gia, ngành và tại từng đối tượng báo cáo; áp dụng các biện pháp thích hợp quản lý rủi ro về rửa tiền.

“Cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định về các biện pháp phòng ngừa áp dụng đối với đối tượng báo cáo đảm bảo tuân thủ rộng nhất có thể các Khuyến nghị của FATF; Hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thu thập, xử lý, chuyển giao và trao đổi thông tin Phòng, chống rửa tiền. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền” – luật sư Nguyễn Thành Luân chia sẻ.

Bổ sung thêm ý kiến góp ý sửa đổi Luật Phòng, Chống rửa tiền, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, để công tác phòng, chống rửa tiền có hiệu quả, bên cạnh khuôn khổ pháp lý, các tổ chức cần lưu ý về công tác tập huấn cho nhân viên về ý thức phòng, chống rửa tiền để có báo cáo khi nhận biết giao dịch đáng ngờ.

“Mặt khác, cần yêu cầu các ngân hàng tích cực lập báo cáo phòng chống rửa tiền, bởi nhiều ngân hàng vẫn e ngại bị để ý nếu có giao dịch đáng ngờ”, vị chuyên gia này nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

    Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

    04:10, 24/11/2021

  • Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền khắc phục những bất cập, hạn chế

    Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền khắc phục những bất cập, hạn chế

    04:30, 22/11/2021

  • Dự thảo Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Còn gây khó cho ngân hàng, doanh nghiệp

    Dự thảo Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Còn gây khó cho ngân hàng, doanh nghiệp

    03:55, 13/04/2021

KHÔI NGUYÊN