Đã đến lúc cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia
Đối với mặt hàng xăng dầu, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp và người dân nếu không được lợi gì từ quỹ BOG thì không nên duy trì quỹ, cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia.
>> Giảm giá xăng dầu – Vì đâu giá hàng hóa chưa “hạ nhiệt”?
Theo đó, câu chuyện giữ hay bỏ quỹ BOG giá xăng dầu thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt, khi nhiều năm trở lại đây, xăng dầu nóng hơn vì bị cuốn vào cơn “bão giá” và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ (hiện nay chỉ có mình quỹ bình ổn xăng dầu).
Từ thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, vai trò của quỹ BOG với xăng dầu ngày càng mờ nhạt. Nhất là khi diễn biến thị trường gần đây cho thấy, quỹ BOG không còn phù hợp, nên cân nhắc việc tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Vì vậy, cần thiết phải có nghiên cứu đánh giá lợi ích từ việc trích lập và thực hiện quỹ BOG trong suốt thời gian qua với nền kinh tế, người dân và doah nghiệp. Nếu không được lợi gì từ việc trích lập và chi sử dụng quỹ BOG thì không nên duy trì.
Thông tin với báo chí, TS. Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ, quỹ BOG đã tồn tại được hơn 10 năm, có những đóng góp nhất định đối với việc giảm bớt sự biến động của thị trường xăng dầu. Tuy vậy, thực tế cho thấy, vai trò của quỹ BOG chỉ được thể hiện khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp, trong thời gian ngắn. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh, tăng giảm trong thời gian dài thì quỹ BOG gần như “hết phép”.
“Tôi cho rằng có thể mạnh dạn bỏ Quỹ BOG với xăng dầu vì đến thời điểm này, duy trì quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể”, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ.
>> Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp vẫn “loay hoay” vì áp lực chi phí
Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), quỹ BOG chỉ có tác dụng khi giá xăng dầu lên xuống ở mức độ nhẹ, nhưng giá xăng dầu thế giới hiện rất khó đoán, nếu cứ duy trì quỹ BOG xăng dầu thì cũng không có ý nghĩa.
Vị chuyên gia này cho hay, về bản chất quỹ BOG được thu từ tiền người tiêu dùng, cơ quan quản lý giá sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường. Vào các thời điểm giá tăng cao, quỹ BOG là công cụ giúp điều tiết mức tăng giá trong nước sao cho không gây sốc cho nền kinh tế. Nhưng trong thời gian qua, giá xăng dầu thế giới có nhiều thời điểm tăng nóng, liên tục, qũy BOG không bù nổi.
Từ đó, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, nên bỏ quỹ này để giá cả vận hành theo thị trường.
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đức Độ, TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, về cơ bản, quỹ BOG không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Quỹ hoạt động theo cách thức tiền của người dân ứng trước vào quỹ và trả lại vào kỳ điều hành sau, nhằm giảm biến động giá xăng dầu thế giới vào giá bán trong nước. Tuy nhiên, tính toán của chuyên gia, khi giá dầu thế giới biến động quá cao, việc có quỹ hay không cũng không có nhiều tác dụng.
Bên cạnh đó, là cơ quan đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị bỏ quỹ BOG xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Không những thế khi bỏ quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, thực tế quỹ BOG không cần thiết khi giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, do đó Luật Giá cần tính tới việc bỏ quỹ này. Trong khi, doanh nghiệp cũng không được lợi hay bổng lộc gì từ quỹ BOG, thậm chí nếu doanh nghiệp nào sử dụng âm thì sẽ nợ đọng ngân hàng. Đây là điều mà các doanh nghiệp đầu mối không hề mong muốn.
Vậy, làm sao để điều tiết giá xăng dầu? Theo các chuyên gia, Nhà nước có thể điều tiết giá xăng dầu thông qua chính sách thuế, phí nhưng về dài hạn thì phải có cơ chế dự trữ quốc gia. Việc can thiệp bằng thuế, phí được áp dụng linh hoạt và có hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra vấn đề dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia, muốn thị trường xăng dầu phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu thì không thể không có dự trữ quốc gia.
Không chỉ có vậy, các chuyên gia cũng cho biết thêm, hiện nay chúng ta gần như không có dự trữ chiến lược về xăng dầu mà chỉ là dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong vài ngày hoặc vài chục ngày. Nhiệm vụ này do đầu mối cấp 1, tức các nhà nhập khẩu xăng dầu đảm nhiệm. Bên cạnh đó, có một phần dự trữ tại các nhà máy lọc dầu, nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn hạn, chủ yếu liên quan việc kinh doanh.
“Dự trữ quốc gia về xăng dầu là sự thay đổi chiến lược của ngành năng lượng quan trọng, để làm được cần nguồn lực tài chính rất lớn, phải có hệ thống kho lưu trữ, kỹ thuật bảo quản, xây dựng được cơ chế vận hành, quản lý hệ thống và liên quan đến an ninh quốc phòng… Vì thế cần xây dựng một chiến lược bài bản”, một chuyên gia chia sẻ.
Được biết, hiện nay, xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Trong khi, giá xăng chịu biến động rất lớn trên thế giới, tất cả các nước đều phải gánh chịu. Vì vậy, theo các chuyên gia Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia để bảo đảm sự an toàn về năng lượng và cho hoạt động của kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Giảm giá xăng dầu – Vì đâu giá hàng hóa chưa “hạ nhiệt”?
11:30, 25/07/2022
Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp vẫn “loay hoay” vì áp lực chi phí
05:00, 23/07/2022
Khi nào giá xăng dầu có thể về 22.000 đồng/lít?
05:30, 22/07/2022
Giảm thuế nhập khẩu – Giải pháp cần thiết trong điều tiết giá xăng dầu
04:00, 18/07/2022
"Van điều tiết" nào thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
04:00, 16/07/2022