Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 3: “Tiền bẩn” ẩn dưới vỏ bọc tiền ảo

NGUYỄN GIANG 03/08/2022 03:50

Hoạt động rửa tiền bằng tiền ảo đang gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh của mỗi quốc gia, phá vỡ sự ổn định, tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế…

>>Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 1: “Xóa dấu vết” qua bất động sản

hihiihi

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh minh họa

Theo báo cáo mới của Chainalysis, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ước tính trong năm 2020, các nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm được 0,4 tỷ USD nhờ đầu tư vào Bitcoin. Mặc dù gọi là tiền ảo, nhưng để có số lượng tiền ảo, người đầu tư thông qua các ứng dụng như Binance phải sử dụng tiền thật tại quốc gia mình và mua số lượng tiền ảo tương đương theo giá trị chuyển đổi tại thời điểm đó.

Có thể với nhiều người, tiền ảo vẫn còn là một khái niệm xa lạ nhưng trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì đây lại là thứ khiến cơ quan chức năng “lao tâm khổ tứ” bấy lâu nay. Bởi theo các chuyên gia, giới tội phạm hiện nay thường “ziczac hóa” dòng tiền chiếm đoạt được bởi hành vi phạm tội thông qua các thiết chế tài chính trung gian, để xóa dấu vết tội phạm, cản trở hoạt động điều tra. Chúng thường sử dụng tiền ảo như một thứ công cụ hữu hiệu để hợp pháp hóa đồng tiền bất chính.

Luật gia Trần Hồng Tình – Trưởng Văn phòng Luật Nguyễn Thanh Bình cho biết, tại Việt Nam, tiền ảo như Bitcoin không được công nhận là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư mua bán tiền ảo thì hiện chưa có quy định nào hướng dẫn hoặc luật nào điều chỉnh.

Theo luật gia Trần Hồng Tình, việc sử dụng tiền ảo để rửa tiền dễ dàng hơn rất nhiều so với các phương thức truyền thống và khả năng có thể truy vết rất hạn chế. Ví dụ, nếu như muốn chuyển tiền giá trị lớn hơn 300.000.000 đồng ra nước ngoài, tổ chức nhận tiền gửi phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Điều 3 Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, nếu cá nhân sử dụng số tiền trên 300.000.000 VND mua tiền ảo qua ứng dụng Binance theo hình thức P2P (cá nhân với cá nhân), thì không ai xác minh và kiểm soát. Số tiền ảo sau khi chuyển đổi được có thể tùy ý bán trên thị trường, chuyển cho người khác hoặc đổi sang một ngoại tệ khác mà không bị một tổ chức tài chính hay cơ quan chức nang nào giám sát.

“Tiền ảo nói chung và đồng Bitcoin nói riêng trở nên rất phổ biến bởi phương thức giao dịch dễ dàng, tính thanh khoản cao, không chịu các quy định về đóng thuế thu nhập cá nhân. Các đối tượng phạm tội cũng rất ưa dùng tiền ảo để rửa tiền bởi tính ẩn danh và giao dịch xuyên biên giới rất nhanh chóng mà không lo sợ bị giám sát” – Luật gia Trần Hồng Tình nói.

>>Nhận diện những "chiêu thức" rửa tiền - Bài 2: Núp bóng công ty “ma”

hihii

Hoạt động rửa tiền bằng tiền ảo đã và đang gây ra những tác hại khôn lường. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, theo Thượng tá Ngô Minh An (nguyên Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết, hoạt động rửa tiền bằng tiền ảo đã và đang gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh của mỗi quốc gia, phá vỡ sự ổn định, tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Ông cho biết giới tội phạm hiện thường dùng tiền ảo như một công cụ để rửa tiền, vì bản chất của tiền ảo là ẩn danh, nghĩa là rất khó để biết thông tin của chủ thể giao dịch. Như vậy, độ an toàn khi thực hiện rửa tiền qua tiền ảo là rất cao.

Cũng theo Thượng tá An, để chuyển được một khoản tiền ra nước ngoài, chắc chắn sẽ cần phải làm rất nhiều thủ tục, tốn khá nhiều thời gian. Nhưng, với tiền ảo, một lượng tiền lớn có thể được chuyển qua lại giữa các quốc gia với nhau chỉ trong một vài phút. Điều quan trọng nhất là cho đến nay trên thế giới chưa có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào kiểm soát giao dịch tiền ảo. Điều đó đồng nghĩa với tội phạm có thể tự do thực hiện mà không sợ bị giám sát, theo dõi.

Thực tiễn cho thấy, bọn tội phạm thường dùng tiền do phạm pháp mà có để đầu tư (mua) các đồng tiền ảo được chào bán công khai tại các sàn giao dịch trên mạng Internet. Lúc này, “tiền bẩn” đã ẩn mình dưới vỏ bọc là tiền ảo. Sau đó, nhờ tính ẩn danh, lượng tiền ảo đó có thể bán cho người khác hoặc bán ngược trở lại thị trường trong các giao dịch hằng ngày.

Đặc biệt, với sự xuất hiện của những sàn DEX như hiện nay, việc chuyển đổi (swap) từ một đồng tiền này sang đồng tiền khác quá dễ dàng. Thông qua việc mua bán qua lại giữa những người giao dịch tiền ảo trên sàn mà nguồn gốc số tiền phạm pháp được “làm sạch”. Khi cần quy đổi thành tiền mặt, tội phạm có thể bán số tiền ảo đó cho người cùng tham gia giao dịch trên sàn hoặc bán ngay cho chủ sàn, đàng hoàng rút tiền thật ra để hòa nhập với thị trường tài chính.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thách thức mới đối với các quốc gia trên thế giới. Tư duy không quản được thì cấm đã lỗi thời, vì không công nhận tiền ảo thì nó vẫn tồn tại và ngày càng có ảnh hưởng trong sinh hoạt xã hội. Do đó, chúng ta buộc phải tìm cách thích nghi với những chuyển động của đời sống đương đại.

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh tiền ảo, chứ không thể để tự phát, vô chính phủ như hiện nay. Chỉ khi có quy định của pháp luật mới có công cụ hữu hiệu để quản lý và xử lý sai phạm trong lĩnh vực này. Để phát hiện hành vi rửa tiền thông qua giao dịch tiền ảo, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác nắm tình hình trên không gian mạng, nhất là tại các sàn giao dịch tiền ảo, phối hợp với ngành ngân hàng, các cổng thanh toán trung gian để theo dõi các giao dịch đáng ngờ xuất phát từ địa chỉ IP tại Việt Nam và tiến hành truy vết” – Thượng tá An nói.

Phát biểu tại tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về phòng chống rửa tiền thông qua tài sản ảo” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức hồi tháng 5 mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, trong đó tập trung xem xét đến vấn đề về đối tượng báo cáo, đặc biệt là đối tượng liên quan đến tài sản ảo. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và kinh nghiệm trên thế giới để có những nhìn nhận toàn diện hơn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng như khắc phục được tình trạng tội phạm công nghệ cao sử dụng tài sản ảo như một công cụ để thực hiện việc rửa tiền.

NGUYỄN GIANG