Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi, giá xăng dầu liệu có được như kỳ vọng?

GIA NGUYỄN 10/08/2022 11:06

Được đánh giá là một trong những giải pháp không chỉ giúp tăng nguồn cung xăng dầu mà còn tránh ảnh hưởng tới thâm hụt ngân sách, tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi có đạt như kỳ vọng?

>> “Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt để tạo dư địa

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi - Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi - Ảnh minh họa

Cụ thể, sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 quy định tại Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ thành các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định Nghị định số 51/2022/NĐ-CP.

Trong đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.

Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu trong nước hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).

Trong khi đó, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.

Đánh giá tác động đến thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên thuộc diện được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta.

Như vậy, với tỷ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là thấp, từ đó, trong trường hợp các điều kiện khác không thay đổi thì việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách Nhà nước.

>> Giá cước vận tải có độ trễ nhất định để giảm theo giá xăng dầu

Việc giảm thuế nhập khẩu MFN với xăng vào lúc này được cho

Việc giảm thuế nhập khẩu MFN với xăng vào lúc này được cho có tác dụng đa dạng hoá nguồn cung, hơn là giảm giá bán lẻ - Ảnh minh họa

Xoay quanh câu chuyện giảm thuế nhập khẩu MFN, trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm một nửa thuế suất từ 20% xuống 10% với xăng lúc này có tác dụng đa dạng hoá nguồn cung, hơn là giảm giá bán lẻ.

Thực tế, số liệu thống kê nhập khẩu mặt hàng trong quý II cho thấy, tỷ trọng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu bình quân gần 28,7% trong tổng cơ cấu tiêu thụ trong nước. Trong đó, xăng E5 RON92 chỉ chiếm gần 14,4%, RON 95-III gần 32%; và dầu diesel xấp xỉ 40%. Thị trường nhập chủ yếu là các nước đã ký FTA với Việt Nam (ASEAN, Hàn Quốc...), nên việc giảm thuế suất MFN với xăng xuống 10% chỉ “gián tiếp góp phần giảm giá bán ở mức thấp”.

Đồng thời các chuyên gia cũng khuyến cáo, chính sách giúp giảm giá bán cho mặt hàng này vẫn là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (VAT)... các loại thuế tính trực tiếp trong cơ cấu giá bán lẻ.

Trước đó, khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất mức giảm thuế MFN, Bộ Công Thương cũng cho rằng, mức thuế suất giảm vẫn cao hơn mức thuế ưu đãi theo các FTA, đây sẽ là điểm bất lợi cho doanh nghiệp. Từ đó, Bộ này đề nghị đưa thuế nhập khẩu xăng dầu về cùng mức 8%, như mức thuế đang áp dụng cho nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc và ASEAN.

“Giảm thuế suất MFN về 8% để doanh nghiệp có điều kiện đa dạng hóa nguồn cung, tránh bị các đối tác Hàn Quốc và ASEAN ép giá”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Còn theo Hiệp hội Xăng dầu, đưa thuế suất về 8% bằng mức thuế suất FTA, mới “thực chất góp phần đa dạng nguồn cung xăng dầu, tránh phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN, đảm bảo nguồn hàng trong trường hợp nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước không đáp ứng đủ”.

Thừa nhận việc giảm thuế suất nhập khẩu MFN với xăng “không tác động nhiều đến giá mặt hàng này”, song Bộ Tài chính cho rằng, chính sách này sẽ góp phần đa dạng nguồn cung xăng từ các nước như: Trung Quốc, Mỹ, khu vực Trung Đông, Nam Mỹ... Việc này sẽ tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay, trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Bộ Tài chính cũng cho biết, khó đưa thuế MFN về bằng với mức thuế suất của FTA (tức 8%) bởi phải đảm bảo mức chênh lệch tương đối giữa thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế suất nhập khẩu theo các FTA. Ngoài ra, mức thuế suất MFN với xăng dầu phải đảm bảo điều kiện không thấp hơn 7%, tránh phát sinh khoản thanh toán bù giá cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn theo cam kết, bảo lãnh của Chính phủ (GGU).

Trước những dự báo giá xăng dầu còn diễn biến khó lường nửa cuối năm, giải pháp giảm thuế suất MFN với xăng, theo Bộ Tài chính là khả thi, hiệu quả lúc này. Bên cạnh đó, giảm thuế suất loại thuế này, không ảnh hưởng tới thu ngân sách, thậm chí ngân sách có thể thêm nguồn thu nếu tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường ngoài cam kết FTA tăng lên.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng

    20:20, 08/08/2022

  • “Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt để tạo dư địa

    “Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt để tạo dư địa

    04:00, 05/08/2022

  • Giá cước vận tải có độ trễ nhất định để giảm theo giá xăng dầu

    Giá cước vận tải có độ trễ nhất định để giảm theo giá xăng dầu

    02:24, 04/08/2022

  • Điều chỉnh thuế, phí xăng dầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    Điều chỉnh thuế, phí xăng dầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    02:18, 04/08/2022

  • Đã đến lúc cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia

    Đã đến lúc cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia

    11:30, 29/07/2022

GIA NGUYỄN