Phát triển “sếu đầu đàn”

NGUYỄN VIỆT thực hiện 20/08/2022 12:00

Cần phải tập trung phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, những doanh nghiệp được ví như sếu đầu đàn, bởi cả đàn sếu muốn bay nhanh, bay xa, bay đúng hướng thì phải có những con sếu dẫn đầu... 

>>Năng suất lao động là thách thức lớn nhất của top 500 doanh nghiệp tư nhân

Đây là chia sẻ của GS.TS Ngô Thắng Lợi, Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân với DĐDN.

Mặc dù được cho là đã có những bước phát triển không ngừng lớn mạnh, nhưng Báo cáo “Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam - VPE500” cho thấy, nhóm VPE500 của Việt Nam chưa trở thành lực lượng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

- Thực tế cho thấy Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp “tỷ đô”, nhưng rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh toàn cầu. Theo ông đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này?

Có một số nút thắt gây cản trở cho doanh nghiệp tư nhân lớn trong quá trình phát triển, ở đây phải kể đến:

Thứ nhất, các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nền kinh tế thị trường “mở” hội nhập quốc tế, quá trình phát triển kinh doanh luôn gặp nhiều yếu tố rủi ro, như lạm phát, tỷ giá, do thay đổi chính sách trong nước và quốc tế, rủi ro trong quá trình tiếp cận vốn, tài chính... do họ thiếu nhiều các thông tin vĩ mô mang tính định hướng thị trường mà bản thân các doanh nghiệp không thể tự làm được, khiến họ không mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ phát triển chuyên môn hóa sản xuất kinh doanh để tận dụng lợi thế nhờ quy mô phát triển dài hạn.

Thứ hai, xét trên góc độ bình đẳng trên “sân chơi” giữa các khu vực kinh tế, có thể nhận thấy chính sách Nhà nước, trên một mức độ nhất định, vẫn có sự không nâng đỡ khu vực tư nhân đúng mức so với doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, hiện nay Nhà nước cũng chưa có chính sách riêng thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phát triển trọng tâm một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

dfdsf

Theo báo cáo của NCIF, tổng quan một số chính sách hiện hành cho thấy từ định hướng, chủ trương đến cơ chế, chính sách, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử hoặc chính sách riêng đặc thù cho doanh nghiệp lớn, thậm chí có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Ngay ở trong nước, các doanh nghiệp lớn cũng chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ hơn đến sân chơi lớn hơn, thưa ông?

Theo quan điểm của tôi, để các doanh nghiệp tư nhân lớn ngày càng lớn mạnh và đóng vai trò là đầu tàu lan tỏa mạnh đến phát triển toàn bộ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân mà vai trò dẫn dắt là các doanh nghiệp lớn cần phối hợp với nhau, tập hợp các doanh nghiệp cùng ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng chia sẻ cơ hội, khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với những bất định như thiên tai, dịch bệnh.

Sự nâng đỡ thông qua quá trình liên kết của doanh nghiệp tư nhân lớn với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa còn giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại để người lao động thích ứng với bối cảnh mới, tạo nên sức mạnh cho toàn bộ khu vực tư nhân.

Việc tạo ra mối quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân lớn của người Việt Nam với các doanh nghiệp FDI là điều cần làm trong thời gian tới. Việc liên kết với các doanh nghiệp FDI cần được thiết lập và tăng cường sự dưới hình thức kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp khu vực tư nhân với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dựa trên những lợi thế khác nhau của 2 khu vực này.

>>Cần có chính sách riêng để xây dựng các doanh nghiệp tư nhân lớn

- Với vai trò dẫn dắt được chứng minh tại nhiều quốc gia công nghiệp hóa thành công, một câu hỏi còn nhiều tranh cãi hiện nay là việc nên hay không nên có các chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp lớn. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, thứ nhất là cần tạo dựng sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân với các DNNN và doanh nghiệp FDI. Nhiều nhà nghiên cứu về kinh tế và chính sách, để nhấn mạnh điều này đã khẳng định, doanh nghiệp tư nhân không cần gì hơn, chỉ cần nhận được những chính sách tương tự dành cho doanh nghiệp FDI là họ đã có thể bứt lên được và phát triển vượt bậc hơn hiện nay. Đây là điều kiện cần thiết để phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn và đội ngũ doanh nhân Việt có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thứ hai, vai trò của Nhà nước trong phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn vô cùng cần thiết. Trước hết, việc phân định sân chơi của các khu vực kinh tế cần tuân thủ theo quy luật thị trường hơn, theo hướng đối với các loại hình, các sản phẩm sản xuất kinh doanh có tính cạnh tranh lớn, cần mạnh dạn “chuyển giao” cho khu vực tư nhân với vai trò nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân lớn.

Trong quá trình thực hiện “sứ mệnh” của mình, giai đoạn đầu, các doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh, họ vẫn còn trông cậy nhiều vào sự tham gia và hỗ trợ từ phía Nhà nước về vốn và nhân lực, Nhà nước có thể tham gia trực tiếp đầu tư với doanh nghiệp tư nhân dưới hình thức PPP, và gián tiếp dưới các hình thức hỗ trợ khác qua các chính sách.

Sự tham gia của Nhà nước sẽ giảm dần trong quá trình lớn mạnh lên của doanh nghiệp tư nhân và cuối cùng chỉ đóng vai trò là nhà “yểm trợ, bọc lót” cho các doanh nghiệp tư nhân khi các doanh nghiệp này gặp khó khăn.

Thứ ba, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân lớn với mục tiêu chống chịu được với những biến động và vươn ra “biển lớn” thành công, quan trọng là cần gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả các doanh nghiệp siêu nhỏ. Các doanh nghiệp tư nhân lớn phải đóng vai trò đầu đàn, ngoài việc sử dụng sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa với mô hình liên kết mang tính “ trục xoay – vệ tinh” hay liên kết theo chuỗi giá trị, còn thực hiện vai trò “trách nhiệm và xã hội” hay “đầu tư tạo tác động” đối với các doanh nghiệp tư nhân yếu thế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN: Khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp

    THỦ TƯỚNG ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN: Khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp

    12:48, 29/05/2022

  • Làm việc ở Startup hay doanh nghiệp lớn, đâu là lựa chọn thông minh?

    Làm việc ở Startup hay doanh nghiệp lớn, đâu là lựa chọn thông minh?

    05:18, 23/05/2022

  • Hòa Phát lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes

    Hòa Phát lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes

    16:46, 13/05/2022

  • Sunny World hợp tác chiến lược với hai doanh nghiệp lớn đến từ Nhật Bản

    Sunny World hợp tác chiến lược với hai doanh nghiệp lớn đến từ Nhật Bản

    16:15, 03/05/2022

  • Những doanh nghiệp lớn đang lãi nhờ tiền gửi tiết kiệm

    Những doanh nghiệp lớn đang lãi nhờ tiền gửi tiết kiệm

    16:00, 11/02/2022

NGUYỄN VIỆT thực hiện