Nghị định 35/2022 về quản lý khu công nghiệp - Bài 1: Những điểm mới và đánh giá tác động
Những điểm mới và tác động của Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã được thảo luận tại Diễn đàn "Triển khai Nghị định 35 về Quản lý KCN, KKT" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 26/8 vừa qua.
>>>Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế
Theo đó, trong khuôn khổ Diễn đàn Triển khai Nghị định 35 về Quản lý KCN, KKT do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 26 tháng 8 năm 2022, các diễn giả đã tập trung thảo luận, phân tích những điểm mới của Nghị định 35, làm rõ vai trò của UBND các tỉnh/thành trong quy hoạch xây dựng nhìn từ Nghị định 35, những lưu ý trong quá trình áp dụng, một số đề xuất, kiến nghị khi triển khai…
Luật sư Trần Đại Nghĩa, CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam cho biết, Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế ban hành ngày 28 tháng 8 năm 2022 là chính sách quan trọng trong việc định hướng phát triển hạ tầng KCN của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt, các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các mô hình KCN chuyên dụng như Khu công nghiệp hỗ trợ, Khu công nghiệp chuyên ngành, Khu công nghiệp sinh thái, Khu công nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với các quy định thực tế thì vẫn còn có những vấn đề trở ngại cho việc áp dụng các quy định này ra ngoài thực tế. Vì vậy cần làm rõ những trở ngại này và có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện trong các hệ thống pháp luật có liên quan, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của các KCN.
Theo đó, ông Nghĩa cũng đưa ra những phân tích và đánh giá về 8 điểm mới và 1 nội dung đi sâu vào KCN chuyên ngành trong Nghị định 35 bao gồm: Một là việc sửa đổi bổ sung quy định về quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; Hai là việc xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; Ba là việc sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế;
Bốn là các quy định về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong khu công nghiệp; Năm là các quy định đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các địa phương; việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ; Sáu là việc bổ sung một số nội dung liên quan đến khu công nghiệp và các mô hình khu công nghiệp mới; Bảy là giá cho thuê đất trong khu công nghiệp; tám là bổ sung nội dung về Hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế; và cuối cùng là các quy định về việc thành lập khu công nghiệp.
Theo đánh giá của LS Nghĩa, Nghị định 35 đã quy định chi tiết hơn về xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; các quy định về chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển KCN, KKT; về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong KCN; bổ sung một số nội dung liên quan đến KCN và các mô hình KCN mới…
Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đầu tư hạ tầng, trong đó có quy định về phân kỳ đầu tư KCN, bãi bỏ thủ tục thành lập KCN, đơn giản hóa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập KCN và mở rộng KCN…
Đặc biệt, có một điểm mới đột phá của Nghị định 35/2022/NĐ-CP là việc người lao động được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại khu công nghiệp. Trong đó, để được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án hạ tầng khu công nghiệp phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Ngoài ra, một trong các điều kiện xem xét mở rộng khu công nghiệp là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho công nhân.
Cũng trong phiên thảo luận, ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc Western Pacific đã đưa ra ba ý kiến từ góc độ nhà đầu tư, ông cho rằng, điểm mới trong Nghị định 35 có quy định về vấn đề phân kỳ đầu tư, tuy nhiên đây lại là một trong những vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, vẫn còn có những rườm rà trong thủ tục, hồ sơ trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo ông Vương, thực tế là không có hướng dẫn rõ ràng để bảo vệ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc chuyển đổi, bằng một số biện pháp như chủ đầu tư KCN và các cơ quan chức năng phải chuẩn bị mặt bằng mới cho những doanh nghiệp phải di dời này và bồi thường cho họ các chi phí phát sinh liên quan đến việc di dời và gián đoạn kinh doanh của họ.
>>>Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT: Cơ hội và thách thức
>>>Nghị định 35/2022/NĐ-CP: "Khơi thông" các điểm nghẽn đón dòng vốn đầu tư mới
Trong khi đó, khi trao đổi về một điểm mới khác trong Nghị định 35, các quy định về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong khu công nghiệp, PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cho biết, Nghị định 35 có thể coi là Nghị định điều chỉnh lần thứ tư về vấn đề nhà ở công nhân trong KCN.
“Tuy nhiên, Nghị định 35 vẫn chưa giải quyết được các vấn đề về nhà ở cho người lao động tại KCN, khu kinh tế, do đó Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tiếp tục nhiều vấn đề”, vị Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng cho biết.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, Nghị định 35/2022/NĐ-CP là giải pháp cũng như tiêu chuẩn đặt ra để doanh nghiệp có thể xây dựng KCN sinh thái ngay từ ban đầu thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng xanh, ưu đãi về hạ tầng, tín dụng xanh và trái phiếu xanh, cung cấp thông tin hỗ trợ và giúp doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, tác động tích cực đến việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Tuy nhiên, việc cải tạo các KCN kiểu cũ phát triển thành KCN sinh thái để phát triển xu hướng giảm phát thải thì phải xác định còn rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển KCN truyền thống sang mô KCN sinh thái để thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 là đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng KCN sinh thái, các chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền địa phương. Đối với những tỉnh, thành phố đang lập quy hoạch xây dựng thêm KCN mới, thì phải theo mô hình KCN sinh thái.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT: Cơ hội và thách thức
15:58, 26/08/2022
Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế
14:00, 26/08/2022
[TRỰC TIẾP] Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế
14:00, 26/08/2022
Nghị định 35/2022/NĐ-CP: "Khơi thông" các điểm nghẽn đón dòng vốn đầu tư mới
11:00, 26/08/2022
26/8: Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về Quản lý KCN, KKT và Trao chứng nhận bình chọn KCN tiêu biểu 2022”
15:00, 25/08/2022