Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần làm rõ tiêu chí xác định giao dịch đáng ngờ

GIA NGUYỄN 31/08/2022 04:00

Bên cạnh những mặt tích cực đã được chỉnh lý đưa vào Dự thảo, theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cần làm rõ tiêu chí xác định giao dịch đáng ngờ…

>> Phòng, chống rửa tiền – Cần sớm hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý

Theo đó, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) - (Luật PCRT) gồm 4 Chương với 54 Điều, trong đó, bổ sung mới 9 Điều, sửa đổi 43 Điều và hủy bỏ 7 Điều, giữ nguyên 2 Điều của Luật PCRT năm 2012. Dự thảo sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).

Cần làm rõ tiêu chí xác định giao dịch đáng ngờ trong Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) - Ảnh minh họa: Internet

Cần làm rõ tiêu chí xác định giao dịch đáng ngờ trong Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) - Ảnh minh họa: Internet

Dự thảo Luật sửa đổi được cho đã kế thừa quy định về đối tượng báo cáo PCRT tại Luật PCRT năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng ….), phù hợp với nội hàm khái niệm của FATF và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, không thu hẹp đối tượng báo cáo so với quy định tại Luật PCRT năm 2012.

Đồng thời cũng đã luật hóa quy định tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, theo đó, bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Với những nội dung đã nêu, Dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý bao quát được những lĩnh vực có rủi ro rửa tiền.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì mới đây, cho ý kiến về Dự thảo luật này tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên gia cho rằng, quy định về các giao dịch đáng ngờ trong Dự thảo còn thiên về định tính, chưa rõ ràng, cần được làm rõ.

>> Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

quy định về các giao dịch đáng ngờ trong Dự thảo còn thiên về định tính, chưa rõ ràng, cần được làm rõ - Ảnh minh họa: Internet

Quy định về các giao dịch đáng ngờ trong Dự thảo được cho còn thiên về định tính, chưa rõ ràng, cần được làm rõ - Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, về báo cáo giao dịch đáng ngờ, khoản 2 Điều 30 Dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) quy định “Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải báo cáo trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch” là tương đối ngắn, các tổ chức tín dụng sẽ gặp khó trong việc đảm bảo tuân thủ thời gian báo cáo, vì giao dịch đáng ngờ nhiều trường hợp sẽ bao gồm những chuỗi giao dịch, liên quan đến nhiều khách hàng, nhiều bên liên quan đến giao dịch khác nhau dẫn đến quá trình thu thập thông tin nhằm đánh giá, báo cáo giao dịch đáng ngờ là rất phức tạp, cần rất nhiều thời gian.

Để thời hạn báo cáo phù hợp với mục tiêu báo cáo và thông lệ khu vực, các tổ chức báo cáo có đủ thời gian phân tích, đánh giá các dấu hiệu đáng ngờ, qua đó nâng cao chất lượng báo cáo, ông Hùng đề nghị, điều chỉnh thời hạn báo cáo từ 03 ngày đến 05 ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh hoặc phát hiện giao dịch đáng ngờ.

Về các dấu hiệu đáng ngờ, ông Hùng cho rằng, Điều 26 dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ, ví dụ dấu hiệu: “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”, “Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch”…

“Đề nghị rà soát nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung (nếu có) thêm cho các đối tượng báo cáo những dấu hiệu đáng ngờ phù hợp với tình hình”, ông Hùng đề xuất.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, tiêu chí xác định/căn cứ nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc từ tội phạm trong Dự thảo là chưa rõ ràng.

Theo ông Tuấn, Điều 26 Dự thảo quy định, đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo khi nghi ngờ hoặc có căn cứ nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không bắt buộc các đối tượng báo cáo phải thu thập thông tin về nguồn gốc tài sản trong giao dịch với tất cả các giao dịch của khách hàng thực hiện tại tổ chức tài chính. Quy định như vậy có thể dẫn đến cách hiểu là đối tượng báo cáo phải thực hiện xác minh nguồn gốc tài sản (để xác định xem có phải từ nguồn phạm tội không). Khi đó, các đối tượng sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định này.

Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ngân hàng Nhà nước hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành) nên cân nhắc ban hành Bản mẫu về Quy định nội bộ liên quan đến phòng, chống rửa tiền, đặc biệt đối với các tổ chức phi tài chính liên quan. Bản mẫu này không có giá trị áp dụng bắt buộc, nhưng là cơ sở tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp tham khảo để tự xây dựng. Song song, cần làm rõ các tiêu chí xác định thế nào được coi là “tài sản có nguồn gốc từ tội phạm”. Căn cứ vào đó, các đối tượng báo cáo mới có thể có những căn cứ hợp lý để nghi ngờ các hoạt động này.

“Ngoài ra, cũng cần sửa đổi quy định áp dụng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo hướng đối tượng báo cáo có trách nhiệm yêu cầu đại lý thực hiện quy định nội bộ do mình ban hành, thông qua cơ chế hợp đồng; bổ sung quy định cho phép các đối tượng báo cáo được lưu trữ các hồ sơ, tài liệu theo phương thức điện tử”, ông Tuấn góp ý.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hành động phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hành động phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

    20:05, 08/08/2022

  • Luật Phòng, chống rửa tiền: Những bất cập cần sửa đổi

    Luật Phòng, chống rửa tiền: Những bất cập cần sửa đổi

    00:06, 26/07/2022

  • Phòng, chống rửa tiền – Cần sớm hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý

    Phòng, chống rửa tiền – Cần sớm hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý

    04:20, 24/12/2021

  • Đề xuất chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật về Phòng chống rửa tiền

    Đề xuất chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật về Phòng chống rửa tiền

    05:35, 29/11/2021

  • Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

    Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền “lấp” khoảng trống quản lý tiền ảo

    04:10, 24/11/2021

GIA NGUYỄN