Quản lý thị trường xăng dầu: Cần xây dựng cơ chế giá trần
Trước những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian gần đây, đặc biệt là câu chuyện chiết khấu, chuyên gia cho rằng, cần xây dựng cơ chế giá trần như nhiều nước đang thực hiện…
>> "Mạnh tay" thanh lọc thị trường xăng dầu
Mới đây, 25 doanh nghiệp xăng dầu vừa đồng loạt ký văn bản khẩn gửi Bộ Công Thương và các ban ngành, địa phương kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề bất cập trong kinh doanh xăng dầu.
Nội dung văn bản kiến nghị nêu rõ, với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu hiện nay chỉ 0 đồng, thậm chí với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu là 200 đồng thì đại lý vẫn không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh. Đồng thời, nguồn cung cũng rất hạn chế, càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép…
Từ bất cập đã nêu, các doanh nghiệp kiến nghị bỏ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu; rút giấy phép vĩnh viễn các công ty đầu mối không tuân thủ theo quy định về an ninh xăng dầu. Nhà nước nên hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới xuống thì không nhập hàng, làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra như tình trạng hiện nay.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất phải điều chỉnh cơ chế giá thành bán lẻ để doanh nghiệp đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600-800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để đủ sức duy trì hoạt động (hiện nay mức chiết khấu có khi bằng 0).
Về thời gian điều hành giá, các doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị rút ngắn xuống 24 giờ, kể cả ngày nghỉ, lễ. Bởi theo các doanh nghiệp, hiện nay Việt Nam thực hiện Chính phủ điện tử thì các bộ liên quan họp trực tuyến là cách phục vụ tốt nhất cho dân và tránh được tình trạng găm hàng, tạo ra khan hiếm, mất an ninh xăng dầu.
Cùng với đó, nên cho cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp đầu mối để vừa tăng sức ép cạnh tranh vừa đáp ứng nguồn hàng. Vì hiện nay mỗi nhà bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một công ty đầu mối, khi có sự cố thì nhà bán lẻ không thể lấy hàng từ đầu mối khác.
>> Đã đến lúc “khai tử” Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Xoay quanh một số nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp, thông tin với báo chí về giải pháp để đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, theo quy định hiện nay, có nhiều hình thức đảm bảo cho đại lý xăng dầu có thể hoạt động ổn định.
Cụ thể, đại lý kinh doanh xăng dầu được thoải mái lựa chọn đối tác đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu để làm đối tác cung cấp xăng dầu theo các điều khoản đàm phán cụ thể về hình thức hưởng thù lao kinh doanh, khối lượng xăng dầu cung cấp…
Nếu đầu mối xuất nhập khẩu hoặc thương nhân phân phối, tổng đại lý xăng dầu vi phạm các cam kết hợp đồng như vậy thì các đại lý bán lẻ xăng dầu mới có căn cứ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý.
“Thực tế, các đại lý hiện nay thường chọn hình thức giá xăng dầu thả nổi khi ký hợp đồng với đầu mối xuất nhập khẩu, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý xăng dầu. Vì vậy, có thời điểm các đại lý có thể được hưởng thù lao hơn 1.000 đồng/lít, có thời điểm sẽ chẳng được hưởng đồng nào. Đây hoàn toàn là vấn đề thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, còn Nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Bảo chia sẻ.
Còn về đề xuất, cho phép đại lý được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp thay vì quy định chỉ được mua từ một nguồn như hiện nay, ông Bảo đánh giá, đề xuất này là không hợp lý bởi như vậy khi giá xăng dầu biến động khó lường, chính đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ không được đảm bảo nguồn cung vì không có sự ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ với nhà cung cấp. Quan trọng nhất là đại lý cần lựa chọn nhà cung cấp và hình thức đại lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Theo ông Bảo, giải pháp quan trọng nhất là thị trường hóa xăng dầu; trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra mức giá trần giống như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.
Ghi nhận của VINPA, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay vẫn đảm bảo do cả hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn vẫn hoạt động ổn định với dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 xăng dầu trong quý 3 này (chiếm 72% tổng nhu cầu) và sẽ tăng lên 4,4 triệu m3 xăng dầu trong quý 4. Về nhập khẩu xăng dầu hiện cũng không có khó khăn gì, tất cả chỉ là vấn đề giá cả.
Vì vậy, nếu các đại lý xăng dầu đóng cửa với lý do không chính đáng, cơ quan quản lý Nhà nước có quyền kiểm tra, phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định.
Ngoài những nội dung đã nêu, về đề xuất bỏ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia đều cho rằng, kiến nghị này là hợp lý, có cơ sở, nên bỏ từ nhiều năm nay.
Được biết, mới đây chủ trì cuộc họp khẩn về đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các bộ, ngành tài chính, ngân hàng… nghiên cứu xem xét mức phí đưa xăng dầu về Việt Nam, để bảo đảm các doanh nghiệp đưa xăng dầu về nước không chịu gánh phí quá cao; nâng mức chiết khấu (hoa hồng) để tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là đơn vị bán lẻ và thương nhân phân phối không bị thiệt.
Bộ trưởng cũng đề nghị, ngành ngân hàng xem xét nới trần tín dụng đối với những doanh nghiệp thực chất có hoạt động nhập khẩu xăng dầu. Đồng thời giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ nghiêm túc tiếp thu ý kiến và tổng hợp ý kiến của người dân, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quản lý, những quy định của pháp luật, những cơ chế hiện hành không còn phù hợp. Từ đó nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh hoặc thay thế.
Có thể bạn quan tâm
Sớm giải bài toán dự trữ xăng dầu
01:30, 28/08/2022
"Mạnh tay" thanh lọc thị trường xăng dầu
04:00, 22/08/2022
Đã đến lúc “khai tử” Quỹ bình ổn giá xăng dầu
04:05, 20/08/2022
Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi, giá xăng dầu liệu có được như kỳ vọng?
11:06, 10/08/2022
“Hạ nhiệt” giá xăng dầu: Giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt để tạo dư địa
04:00, 05/08/2022