Ma trận gọi vốn đa cấp
Thông qua “hợp đồng hợp tác kinh doanh” cùng hứa hẹn trả lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp “núp bóng” kinh doanh bất động sản đang gọi vốn theo mô hình Ponzi,...
>>Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 4: Công ty Nhật Nam thỏa thuận “trả tiền…kiện báo”
Mới đây, cơ quan chức năng đã phải phát đi cảnh báo về những rủi ro và nguy cơ đổ vỡ khi người dân tham gia “góp vốn” vào các doanh nghiệp dạng này.
Nở rộ hình thức huy động vốn đa cấp
Trước quy mô hoạt động ngày càng rộng của Công ty CP BĐS Nhật Nam (Công ty Nhật Nam), mới đây, tỉnh Hòa Bình đã phải ban hành các văn bản cảnh báo dấu hiệu bất thường của đơn vị này đến người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, theo UBND tỉnh Hòa Bình, Công ty Nhật Nam được xác định có hành vi huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với các nội dung như: Yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế. Hành vi này được cơ quan chức năng xác định tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Hiện nay, công ty này đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư với lợi nhuận khủng lên đến 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản.
“Tuy nhiên, Công ty Nhật Nam chi trả lợi nhuận bằng tài khoản cá nhân (hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Quản lý thuế). Cách thức hoạt động của công ty này tương tự mô hình "Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một lúc nào đó sẽ mất khả năng chi trả”, nội dung văn bản của UBND tỉnh Hòa Bình nêu.
Đáng chú ý, sau khi mô hình huy động vốn của Công ty Nhật Nam bị Bộ Công an, tỉnh Hòa Bình và một số địa phương phát đi cảnh báo, thì Công ty Cổ phần Tập đoàn Fintech Lan (Fintech Land) đã ra một văn bản khiến dư luận xôn xao, cụ thể văn bản của Fintech Land “đe dọa” rằng, thành viên, nhà đầu tư nào lập nhóm mời nhà đầu tư, khách hàng của Công ty và truyền tải thông tin tiêu cực, thì cả gia đình cá nhân đó sẽ bị liên lụy, chịu hậu quả khó lường; nhà đầu tư, khách hàng nào làm đơn kiện tụng Công ty, lôi kéo người tham gia kiện tụng, thì sẽ phải trả giá đắt…
Được biết, Fintech Land có cách thức huy động vốn tương tự Công ty Nhật Nam. Cụ thể, Fintech Land có chương trình hợp tác đầu tư và phân chia lợi nhuận với lãi suất lên tới 226,8%/24 tháng, còn Công ty Nhật Nam có chương trình hợp tác kinh doanh với lợi nhuận phân chia 168%/24 tháng.
>>Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 3: Lời cầu cứu sau “cơn u mê”
Theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay không chỉ có Công ty Nhật Nam, Fintech Land mà còn rất nhiều đơn vị “núp bóng” kinh doanh bất động sản đang huy động vốn qua hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh với chiêu bài tương tự, như Bank Land, MeeyLand, Tiến Phát, Thái Tuấn, Greenland, Smartland…Trước đó, siêu lừa Nguyễn Thái Luyện trong vụ đại án Alibaba lừa 4.300 người sắp bị đưa ra xét xử cũng từng sử dụng chiêu bài này.
Hiện nay, khung pháp lý với hình thức hợp tác kinh doanh hoặc hợp tác đầu tư khá lỏng lẻo, trở thành kẽ hở cho nhiều doanh nghiệp tận dụng huy động vốn trái phép
Nguy cơ “trắng tay”
Trao đổi với DĐDN, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho hay, theo quy định, hợp tác đầu tư - dù lãi suất có cao đến 100% hay 200%, thì cũng không vi phạm quy định pháp luật, nhưng với điều kiện là các công ty này phải huy động vốn để đầu tư vào các dự án thực.
“Trên thực tế, khó có dự án hay hoạt động sản xuất - kinh doanh nào mang lại lợi nhuận cao ngất ngưởng như thế. Rất nhiều hoạt động huy động vốn theo hình thức hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư lãi suất cao có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, chiếm đoạt tài sản”, luật sư Biên chia sẻ.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cũng khẳng định, huy động vốn cho đầu tư và kinh doanh là hoạt động thường xuyên và bình thường của doanh nghiệp, được pháp luật công nhận và bảo hộ.
Trong một số lĩnh vực, hoạt động huy động vốn được quy định rất rõ ràng. Cụ thể, hoạt động huy động vốn cho các dự án nhà ở thương mại phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật về kinh doanh bất động sản và nhà ở. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng phải tuân thủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Với hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam hay Fintech Land, Luật sư Nguyễn Thành Luân cho rằng, dù định hướng tâm lý cho nhà đầu tư là đầu tư vào các dự án kinh doanh bất động sản, nhưng hợp đồng hầu như né tránh việc đề cập trực tiếp tới mục đích sử dụng vốn vào các dự án bất động sản, mà chỉ thể hiện một cách sơ sài là phục vụ “đầu tư và các dự án mà bên A đang hoặc sẽ là chủ đầu tư hoặc liên doanh, liên kết đầu tư với đối tác khác …”.
Đặc biệt, hợp đồng cũng thiết kế “khéo léo” giúp Công ty Nhật Nam, Fintech Land có thể “bẻ lái” khoản tiền lãi phải trả cho nhà đầu tư, đồng thời tước hết quyền hạn của nhà đầu tư trong giám sát việc chi tiêu, sử dụng vốn của doanh nghiệp. Theo hợp đồng, nếu Công ty thua lỗ, thậm chí phá sản, khách hàng cũng khó có khả năng đòi lại tiền (cả gốc và lãi), bởi mục đích góp vốn là đầu tư kiểu “lời ăn lỗ chịu”.
“Nếu Công ty Nhật Nam, Fintech Land hay những doanh nghiệp dạng này phá sản do kết quả kinh doanh kém, hoặc do người quản lý doanh nghiệp kém trình độ, thì nhà đầu tư bị mất trắng số tiền đã góp, trừ khi chứng minh được là có yếu tố cố ý làm trái quy định của pháp luật của người quản lý trong quá trình sử dụng vốn”, luật sư Nguyễn Thành Luân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 4: Công ty Nhật Nam thỏa thuận “trả tiền…kiện báo”
03:00, 14/09/2022
Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 3: Lời cầu cứu sau “cơn u mê”
03:50, 09/07/2022
Amway giúp sinh viên có thêm ý thức về bán hàng đa cấp
16:29, 07/07/2022
Đề nghị truy tố “trùm” đa cấp Nguyễn Thế Kiên
08:06, 21/05/2022
Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 2: “Bóp cổ” nhà đầu tư ngay từ hợp đồng
03:40, 14/05/2022
Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 1: Chiêu trò “quăng bom” để “lùa gà”
03:40, 13/05/2022
Đầu tư đa cấp bất động sản: “Nghìn lẻ một” bẫy lừa
03:30, 05/05/2022