Chặn “rửa tiền” trong lĩnh vực công nghệ cao
Tội phạm rửa tiền đang lợi dụng triệt để công nghệ cao để hoạt động, trong khi đó các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều “khoảng trống”…
>>Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào luật
Đó là chia sẻ của luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La với DĐDN.
- Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, triệt xóa những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều có sử dụng tiền ảo. Luật sư có thể phân tích những phương thức mà tội phạm rửa tiền hay sử dụng?
Có thể nói, hiện nay nguy cơ rửa tiền trong các lĩnh vực công nghệ cao là rất lớn. Thông thường các đối tượng lợi dụng 3 phương thức sau để rửa tiền.
Thứ nhất, thông qua trung gian thanh toán và ví điện tử: Trong giao dịch thông qua các trung gian thanh toán trực tuyến, ví điện tử, khách hàng chỉ cần kết nối với máy chủ của các đơn vị cung cấp dịch vụ bằng mã số ID cá nhân của mình rồi nhập mật khẩu hệ thống sẽ tự động xác minh nhân thân người đó thông qua tài khoản đã đăng ký.
Với hệ thống này, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán chuyển tiền ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, đây lại là phương thức mà các đối tượng phạm tội dễ dàng sử dụng để thực hiện các giao dịch để rửa tiền. Bởi khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền thông qua trung gian thanh toán, ví điện tử, các đối tượng có thể thực hiện hành động này ở bất cứ đâu trên thế giới và bất cứ thời điểm nào. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ cũng không thể xác minh danh tính thực sự của cá nhân truy cập vào tài khoản… nên các đối tượng ít có khả năng bị theo dõi hơn.
Minh chứng cho điều này là liên tiếp các đường dây đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… bị triệt phá gần đây đều sử dụng trung gian thanh toán, ví điện tử.
Thứ hai, thông qua kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tài sản ảo: Hiện nay, nhiều đồng tiền ảo hiện được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tiền ảo như một loại “chứng khoán”, với việc gia tăng giá trị nhanh chóng trong thời gian qua, các đồng tiền ảo đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền khi chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.
Thứ ba, thông qua giao dịch thương mại điện tử: Những tiến bộ công nghệ trong thương mại điện tử giúp dễ dàng xây dựng các doanh nghiệp trực tuyến và ẩn sau các trang web, sàn thương mại điện tử hợp pháp. Những kẻ rửa tiền có thể sử dụng các trang web thương mại điện tử và sử mạng thanh toán của các nhà cung cấp dịch vụ để hoạt động rửa tiền thông qua các giao dịch mua bán ảo.
>>Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần làm rõ tiêu chí xác định giao dịch đáng ngờ
- Hiện, Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, các hoạt động này vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền cũng chưa quy định vấn đề này, thưa ông?
Thực tế, trước những hệ lụy tiềm ẩn của tiền ảo, tài sản ảo, lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố quốc tế (FATF) cũng nhiều lần chỉ ra các rủi ro tiềm tàng về rửa tiền, tài trợ khủng bố của tiền ảo và khuyến nghị, yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, được đăng ký, cấp phép và chịu sự quản lý giám sát.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền đang tồn tại một khoảng trống khá lớn đối với việc quản lý giám sát hoạt động của các trung gian thanh toán, ví điện tử… Bởi, tính đến nay, tại Việt Nam có hơn 30 tổ chức không phải ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, ví điện tử… Tuy nhiên, theo quy định Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chưa được quy định là đối tượng phải báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền.
Trong khi đó, theo khuyến nghị của FATF, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (đặc biệt là cung ứng dịch vụ ví điện tử) cần phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) không có điều khoản nào quy định về hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao mà thực tế, việc sử dụng công nghệ cao để rửa tiền chỉ được coi là tình tiết tăng nặng. Khoản 4 Điều 5 Nghị quyết số 03 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ngày 24/5/2019 giải thích điểm đ khoản 2 Điều 324: “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”.
- Từ những phân tích trên, luật sư có kiến nghị giải pháp gì để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền?
Luật Phòng, chống rửa tiền cần sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát tất cả lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo…
Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cần đưa hoạt động "cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo" vào Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 sửa đổi lần này.
Tương tự, Bộ Luật Hình sự cần ghi nhận rõ hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh. Bởi, nếu chỉ dừng lại ở tình tiết tăng nặng thì pháp luật chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe hành vi phạm tội.
- Xin cảm ơn luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào luật
04:00, 12/09/2022
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần làm rõ tiêu chí xác định giao dịch đáng ngờ
04:00, 31/08/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hành động phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố
20:05, 08/08/2022
Luật Phòng, chống rửa tiền: Những bất cập cần sửa đổi
00:06, 26/07/2022
Phòng tránh nguy cơ rửa tiền từ giao dịch bất động sản và tiền ảo
04:50, 20/07/2022
VPBank nhận giải thưởng về lĩnh vực quản trị rủi ro về phòng, chống rửa tiền
16:10, 23/03/2022
Phòng, chống rửa tiền – Cần sớm hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý
04:20, 24/12/2021
Đề xuất chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật về Phòng chống rửa tiền
05:35, 29/11/2021