“Gian nan” thu thuế thương mại điện tử
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan thuế. Các chuyên gia cho rằng có 5 khó khăn điển hình trong việc thu thuế loại hình này...
>>“Bỏ ngỏ” thuế thương mại điện tử đến bao giờ?
Những năm gần đây, với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số đã trở nên phổ biến. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Theo xu hướng phát triển, sẽ có sự chuyển dịch doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp đến người tiêu dùng sang giao dịch giữa các cá nhân với nhau.
Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các phương thức giao dịch TMĐT để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hoá; đồng thời cũng ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang TMĐT để cung cấp hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng. Sự phát triển đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan thuế. Các chuyên gia cho rằng, có thể nhận thấy được 5 khó khăn điển hình trong việc thu thuế thương mại điện tử hiện nay.
Cụ thể, đầu tiên là khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; Thứ hai là khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế; Thứ ba là khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế. Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh; Thứ tư là khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội; Thứ năm, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trên cơ sở Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Cụ thể, triển khai sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật thuế về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Luật Quản lý thuế, các Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quy định các tổ chức trung gian thanh toán, tổ chức là đối tác của các nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Theo đó, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin; khai thuế, nộp thuế thay cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến. Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).
>>Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán – Liệu có tối ưu?
Vị đại diện này cho biết, Tổng cục Thuế đã ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương, có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương để phối hợp cung cấp thông tin về website, ứng dụng TMĐT. Trên cơ sở dữ liệu được cung cấp, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát website, ứng dụng TMĐT nếu thực tế không còn hoạt động sẽ lập danh sách để cung cấp cho Bộ Công Thương làm cơ sở chấm dứt đăng ký thiết lập website TMĐT theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đã có Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Thông tin và Truyền thông và làm việc với một số đơn vị thuộc Bộ để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới, danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên kho số; làm việc với Bộ Công An để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ CSDL phục vụ công tác quản lý thuế...
“Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai các quy định về phối hợp giữa 2 cơ quan đã được quy định trong Luật Quản lý Thuế; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thông tin theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT đối với một số doanh nghiệp trong nước và một số nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam”, vị đại diện Tổng cục Thuế nói.
Có thể bạn quan tâm