Sửa Nghị định 62/2017: Khắc phục bất cập đấu giá trực tuyến

KHÔI NGUYÊN 07/10/2022 03:30

Theo các chuyên gia, quá trình triển khai đấu giá trực tuyến trong thời gian qua đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, không bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện…

>>Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Kỳ vọng giảm tiêu cực

Một cuộc họp tại Bộ Tư pháp về việc sửa nghị định 62

Một cuộc họp tại Bộ Tư pháp về việc sửa Nghị định 62. Ảnh: BCP

Theo đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP (NĐ62) định hướng xây dựng Hệ thống đấu giá trực tuyến quốc gia để tổ chức đấu giá trực tuyến các loại tài sản. Trong quá trình thẩm định Dự thảo Nghị định, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng Hệ thống cần bảo đảm mục tiêu tăng cường công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích tài sản nhà nước thông qua đấu giá.

Luật Đấu giá tài sản và NĐ62 hướng dẫn Luật Đấu giá tài sản lần đầu tiên quy định hình thức đấu giá mới, hiện đại và thông dụng trên thế giới là đấu giá trực tuyến. Hình thức này đã được áp dụng rộng rãi tại một số địa phương trong đại dịch COVID-19, vừa bảo đảm đấu giá tài sản công đúng kế hoạch, vừa góp phần hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, “xã hội đen”. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai phát sinh một số bất cập, hạn chế, không bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, do NĐ62 chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ hình thức đấu giá trực tuyến hoàn toàn trên môi trường Internet (NĐ62 chỉ quy định cuộc đấu giá được tổ chức trực tuyến, còn các trình tự thủ tục như niêm yết, thông báo công khai, bán hồ sơ, nộp hồ sơ, tiền đặt trước vẫn thực hiện trực tiếp), nên các tổ chức đấu giá tài sản lúng túng khi áp dụng, mỗi tổ chức đấu giá tài sản thực hiện một cách khác nhau. Thậm chí, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, một số tổ chức đấu giá tài sản nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và cho phép trả giá trên các nền tảng họp trực tuyến như Google Meet hay Zoom và công nhận đó là đấu giá trực tuyến. “Điều này phản ánh không đúng bản chất và làm giảm hiệu quả của hình thức đấu giá trực tuyến trên thực tế”, bà Mai nhấn mạnh.

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ62, Cơ quan soạn thảo đề xuất định hướng xây dựng mô hình đấu giá trực tuyến tập trung. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá tài sản ở Trung ương sẽ xây dựng hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia để các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đấu giá trực tuyến các loại tài sản, bảo đảm thống nhất trong triển khai, khắc phục các bất cập nêu trên.

>>Giao “đất vàng” không qua đấu giá tại Bình Thuận: Thất thoát hàng trăm tỉ đồng?

Tại cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 5/10, ông Lê Văn Bình, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu vấn đề, khi áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến trong đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư, thương mại, khu đô thị…, theo quy định của pháp luật đất đai, đầu tư, hồ sơ của người tham gia đấu giá cần được cơ quan có thẩm quyền thẩm định đủ điều kiện tham gia đấu giá. Do đó, Hệ thống đấu giá trực tuyến quốc gia cần phải tính đến việc xây dựng liên thông, kết nối với các đơn vị liên quan (trung tâm phát triển quỹ đất, sở tài nguyên và môi trường…) để tổ chức thẩm định trực tuyến, bảo đảm việc đấu giá tài sản được thực hiện hoàn toàn trên môi trường Internet.

Theo ông Bình, đấu giá đất có đặc thù là tài sản lớn, có nhiều yếu tố liên quan tới quá trình xác định giá trị của tài sản như: vị trí đất, hướng đất… đòi hỏi người tham gia đấu giá cần được xem thực tế tài sản trước khi tham gia đấu giá và trả giá. Tuy nhiên, khâu xem tài sản đấu giá trên thực địa (đối với tài sản là quyền sử dụng đất nói riêng và các tài sản đấu giá khác nói chung) khó có thể thực hiện trực tuyến.

Bà Lê Thị Thu Hằng, cán bộ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cho biết, hoạt động đấu giá tài sản ngoài việc phải tuân thủ Luật Đấu giá tài sản thì còn phải tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành. Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có điều khoản quy định, đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ pháp luật chuyên ngành. Tương tự, với tài sản đấu giá theo phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản, NĐ62, những tài sản đấu giá mà pháp luật chuyên ngành có những yêu cầu riêng thì cũng phải tuân thủ theo pháp luật chuyên ngành. Tại Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ62 nên nhấn mạnh nội dung “tuân thủ theo quy định của pháp luật chuyên ngành” trong việc xác định điều kiện của người tham gia đấu giá để bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ giữa các hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến thẩm định về Dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, với định hướng xây dựng Hệ thống đấu giá trực tuyến quốc gia, cần phải đặt mục tiêu thúc đẩy, tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá tài sản thông qua đấu giá trực tuyến, đưa ra giải pháp để bảo đảm hiệu quả của hình thức đấu giá trực tuyến, bảo đảm lợi ích tài sản của Nhà nước thông qua đấu giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Kỳ vọng giảm tiêu cực

    Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi): Kỳ vọng giảm tiêu cực

    03:30, 06/10/2022

  • Đấu giá “biển số đẹp”: Ban hành Nghị quyết thí điểm là cần thiết

    Đấu giá “biển số đẹp”: Ban hành Nghị quyết thí điểm là cần thiết

    04:00, 27/09/2022

  • Giao “đất vàng” không qua đấu giá tại Bình Thuận: Thất thoát hàng trăm tỉ đồng?

    Giao “đất vàng” không qua đấu giá tại Bình Thuận: Thất thoát hàng trăm tỉ đồng?

    00:37, 13/09/2022

KHÔI NGUYÊN