Chuẩn bị tốt hơn cho các FTA
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình thực thi các FTA của doanh nghiệp vẫn còn nhiều điều phải nuối tiếc, các doanh nghiệp,
hiệp hội xuất khẩu cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội từ các FTA…
Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) với DĐDN.
- Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về việc thực thi và tận dụng cơ hội từ các FTA của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua?
Trên thực tế, những kết quả tích cực từ thực thi các FTA và hội nhập nói chung với các doanh nghiệp là rất rõ ràng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại hàng hóa.
Thông qua việc tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, kim ngạch thương mại của Việt Nam liên tiếp vượt qua các cột mốc đầy tự hào, với khoảng cách thời gian ngày càng rút ngắn. Nếu như tới năm 2007 chúng ta lần đầu tiên đạt tổng kim ngạch trên 100 tỷ USD thì các cột mốc 200, rồi 300 tỷ USD đạt được cứ mỗi 4 năm sau đó (2011, 2015), các mốc 400, 500, 600 tỷ chỉ cần khoảng cách 2 năm để đạt được (2017, 2019, 2021). Và từ chỗ liên tục nhập siêu, chúng ta đã chuyển dần sang xuất siêu, dù còn khiêm tốn nhưng khá vững chắc.
Với riêng các thị trường FTA, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng hóa xuất khẩu bởi các doanh nghiệp cũng cơ bản gia tăng theo từng năm có hiệu lực của mỗi FTA. Cho tới hiện tại, trong trung bình cứ 100 đồng xuất khẩu thì có khoảng 30-40 đồng các doanh nghiệp tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các FTA.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến những thay đổi tích cực trong ý thức và năng lực hội nhập của doanh nghiệp thông qua quá trình hội nhập FTA này. Doanh nghiệp đã biết quan tâm đến các cam kết FTA, từ đó điều chỉnh chuỗi cung ứng cho phù hợp với các điều kiện về quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi thuế quan. Doanh nghiệp cũng nghiêm túc tìm giải pháp cải thiện chất lượng sản phẩm, thay đổi quy trình sản xuất, kiểm soát chuỗi, điều kiện lao động, môi trường để đáp ứng các yêu cầu khắt khe theo quy định của thị trường xuất khẩu hay xu hướng tiêu dùng bền vững của khách hàng. Doanh nghiệp ngày càng bản lĩnh hơn, tự mình và hợp tác, liên kết với nhau tốt hơn để cùng ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ hay các rào cản chính sách ngày càng phức tạp hơn ở nhiều thị trường.
- Tại sao thời gian vừa qua, liên tục nhiều mặt hàng của Việt Nam bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM)? Chúng ta đã ứng phó như thế nào, thưa bà?
Kiện PVTM vốn là các công cụ hợp pháp theo mà các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường xuất khẩu có thể sử dụng để chống lại hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, không ít trường hợp công cụ hợp pháp này bị lạm dụng, trở thành công cụ bảo hộ trá hình.
Trong thời gian vừa qua, dưới tác động của dịch bệnh, các cuộc khủng hoảng nguyên vật liệu, năng lượng, căng thẳng thương mại…, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn trở nên phổ biến ở khắp các nền kinh tế. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ngành sản xuất ở các nước tìm tới các công cụ PVTM để hạn chế hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, nguy cơ bị kiện PVTM được cho là có thể tăng lên theo lộ trình loại bỏ hàng rào thuế quan theo các FTA như một công cụ ứng phó.
Theo thống kê của chúng tôi, chỉ trong 05 năm vừa rồi (2017-2021), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 94 vụ PVTM ở nước ngoài, chiếm tới 46% trong tổng số 205 vụ điều tra mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt từ trước tới nay.
Bị kiện nhiều nên các doanh nghiệp của chúng ta cũng được tôi luyện để kháng kiện giỏi hơn. Trên thực tế, mặc dù bị bất lợi do chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường trong các điều tra PVTM, các doanh nghiệp đang dần biết cách hành động, chủ động tham kiện, thuê tư vấn, hợp tác với cơ quan điều tra để hạn chế tối đa thiệt hại, tránh được các biện pháp PVTM hoặc nếu bị áp dụng thì cũng ở mức thấp nhất có thể.
- Quá trình thực thi các FTA hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì? Và cách khắc phục những khó khăn này, thưa bà?
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình thực thi các FTA của doanh nghiệp vẫn còn nhiều điều phải nuối tiếc, nhiều kỳ vọng chưa được hiện thực hóa. Giả dụ như vẫn còn một tỷ lệ đáng kể các ưu đãi thuế quan FTA mà chúng ta không sử dụng được, do không đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của FTA, do bỏ lỡ một vài thủ tục/điều kiện cần thiết, hoặc có thể đơn giản là do doanh nghiệp không biết về các ưu đãi này. Cũng như vậy, quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa mặc dù đã bớt các rào cản phi thuế, nhưng thủ tục, quy trình cũng chưa thật suôn sẻ, vẫn còn có vướng mắc bất hợp lý, các yêu cầu không phù hợp gây tốn kém thời gian, công sức của doanh nghiệp.
Một mặt, những bất cập này nằm ở chính các doanh nghiệp, vì vậy giải pháp cũng nằm ở họ là chủ yếu. Ví dụ về ưu đãi thuế quan, nếu doanh nghiệp không chủ động tìm hiểu cam kết, không sẵn sàng thay đổi để đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi, thì không ai có thể thay doanh nghiệp để hưởng lợi. Cũng như vậy nếu không chủ động cải thiện chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng sẽ khó có thể tiếp cận khách hàng nước ngoài chỉ bằng giá rẻ nhờ FTA.
Mặt khác, có những vấn đề tồn tại nằm ngoài sức điều chỉnh của doanh nghiệp. Ví dụ sự thiếu vắng của công nghiệp phụ trợ nội địa hay những bất cập, vướng mắc trong thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Những bất cập này chỉ có thể được xử lý thông qua các chính sách công nghiệp, các hỗ trợ của Nhà nước hay những cải cách thực chất trong các thủ tục hành chính liên quan.
- Xin cảm ơn bà!