Sửa Luật Thanh tra: Khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra

NGUYỄN GIANG 14/10/2022 03:30

Việc quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, kiểm toán, hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí…

>>Sửa Luật Thanh tra phải để doanh nghiệp an tâm tuân thủ pháp luật

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia pháp lý khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan tới Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới đây.

p/Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải kiểm tra hoạt động của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa

Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải kiểm tra hoạt động của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa các cơ quan thanh tra nhà nước hầu như không còn; ở hoạt động thanh tra đột xuất có xảy ra song được xử lý kịp thời; giữa cơ quan Thanh tra nhà nước với cơ quan Kiểm toán nhà nước cũng cơ bản được kiểm soát ở cấp trung ương.

Tuy nhiên, vẫn còn chồng chéo trong một số hoạt động kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền với hoạt động khảo sát, nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra; hoạt động kiểm tra thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý, nhất là hoạt động kiểm tra của đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; hoạt động thu thập thông tin, nắm tình hình của cơ quan Điều tra; hoạt động kiểm tra, nắm tình hình của các tổ chức, đoàn thể, của Đảng; hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và cơ quan có chức năng giám sát khác.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được Chính phủ hoàn thiện, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp sắp tới.

Đáng chú ý, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã đề cập tới nội dung phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán. Dự thảo Luật đã xác định cụ thể các nguyên tắc để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán khi xây dựng kế hoạch và trong quá trình triển khai thực hiện.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho hay, về chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, Luật quy định mỗi bộ, tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra; kế hoạch thanh tra được xây dựng trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Khi thực hiện, nếu có sự chồng chéo, trùng lặp thì cơ quan thanh tra cấp trên sẽ thực hiện nội dung thanh tra đó.

Dự thảo Luật quy định Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phải có đánh giá, tổng kết kết quả công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm phải có sự trao đổi, thống nhất giữa người đứng đầu 2 cơ quan này dựa trên nguyên tắc một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thực hiện chức năng thanh tra hoặc kiểm toán nhà nước.

Thủ trưởng cơ quan thanh tra và kiểm toán trưởng kiểm toán nhà nước khu vực và chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp trong hoạt động, trao đổi thường xuyên để tránh chồng chéo, trùng lặp khi tiến hành thanh tra, kiểm toán.

>>Luật Thanh tra (sửa đổi): Thời điểm chấm dứt “gánh nặng” thanh tra cho doanh nghiệp

hihi

 Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trong một hội thảo về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được tổ chức tại Hà Nội mới đây. Ảnh: NT

“Đáng chú ý, khi phát hiện nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thanh tra khác hoặc kiểm toán nhà nước, thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo ngay với thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và cơ quan, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị. Nếu không thống nhất thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước giải quyết” – Tiến sĩ Đinh Văn Minh cho biết.

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Đào Trung Kiên – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, việc quy định về xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra và kiểm toán có thể giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, kiểm toán, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, luật sư Đào Trung Kiên cũng cho rằng, thanh tra, kiểm toán có những đặc thù, vị trí, vai trò khác nhau, mang tính chủ động của mỗi ngành và đều là quy trình của hoạt động quản lý, là sự cần thiết của quy trình quản trị rủi ro của doanh nghiệp và nhà nước, nhất là trong phát triển kinh tế thị trường, yếu tố "tiền kiểm" được tạo điều kiện để tăng tính chủ động cho doanh nghiệp thì yếu tố "hậu kiểm" cần phải được tăng cường.

“Vì vậy tránh chống chéo nhưng vẫn đảm bảo được nguyên tắc quản lý thì cần tập trung xây dựng kế hoạch chung, chú trọng về nội dung thanh tra, kiểm toán trong kế hoạch và xác lập tính pháp lý trong hoạt động kế thừa kết quả của nhau”, luật sư Đào Trung Kiên kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Cân nhắc bổ sung thêm các quy định mang tính nguyên tắc cho Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

    Cân nhắc bổ sung thêm các quy định mang tính nguyên tắc cho Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

    03:00, 08/10/2022

  • Sửa Luật Thanh tra phải để doanh nghiệp an tâm tuân thủ pháp luật

    Sửa Luật Thanh tra phải để doanh nghiệp an tâm tuân thủ pháp luật

    15:00, 14/06/2022

  • Luật Thanh tra (sửa đổi): Thời điểm chấm dứt “gánh nặng” thanh tra cho doanh nghiệp

    Luật Thanh tra (sửa đổi): Thời điểm chấm dứt “gánh nặng” thanh tra cho doanh nghiệp

    21:00, 13/06/2022

NGUYỄN GIANG