Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần có chiến lược xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia

PHƯƠNG THANH 18/10/2022 15:00

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thiếu ổn định, nguồn cung khan hiếm các chuyên gia đề xuất các giải pháp giúp bình ổn mặt hàng năng lượng này.

>>Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần khơi thông trách nhiệm!

Bị động do phụ thuộc xuất khẩu

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP. HCM cho biết, thị trường xăng dầu sẽ thiếu ổn định khi kinh doanh xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới. Hiện nay các đơn vị cung cấp đã giảm mức chiết khấu khá lớn cho các đại lý bán lý bán lẻ, nên nhiều doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh cầm chừng, do không có lãi, thậm chí phải bù lỗ do chịu nhiều chi phí khác như chi phí vận hành, chi phí cố định.

Do đó, để ổn định thị trường các doanh nghiệp đề nghị trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ với tỷ lệ không nhỏ hơn 6-7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu. Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.

Thị trường xăng dầu chưa có chính sách giá ổn địnhp/cho doanh nghiệp an tâm vận hành

Thị trường xăng dầu chưa có chính sách giá ổn định cho doanh nghiệp an tâm vận hành

Đưa ra nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu xăng dầu bất ổn trong thời gian gần đây, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy - Giảng viên Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM cho rằng, thị trường xăng dầu chưa có chính sách giá ổn định cho doanh nghiệp an tâm vận hành, khiến nảy sinh thiếu xăng dầu cục bộ chứ không phải do thiếu nguồn cung ứng. 

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Huy, Việt Nam có thể huy động, nhập khẩu nguồn cung xăng dầu từ các thị trường trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Trung Đông, Trung Quốc và Campuchia. “Nguồn cung không hề thiếu, vấn đề là do chính sách áp giá cho doanh nghiệp bán lẻ, làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng” – ông Huy nhấn mạnh.

Phân tích thêm về nguồn cung xăng dầu hiện nay, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy chia sẻ, có 2 nguồn cung cấp chính gồm trong nước và nhập khẩu (trong nước chiếm 20% và nhập khẩu chiếm 80%). Trong đó, nguồn cung ứng xăng dầu nội địa chiếm khoảng 20% từ 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa), còn lại phần lớn là nhập khẩu.

Theo ông Huy, sản lượng khai thác dầu và khí ở thềm lục địa Việt Nam giảm mạnh, đặc biệt các mỏ dầu khí ở bể Cửu Long từ năm 2014 đến nay có sự suy giảm nhanh chóng về sản lượng khai thác. Đây là một trong những nguyên nhân cho thấy chúng ta vừa giảm nguồn cung cấp dầu thô cho nhà máy lọc dầu trong nước, lại vừa phụ thuộc nhập khẩu nên Việt Nam rất khó kiểm soát giá cả xăng dầu trong nước nếu như thế giới có biến động bất thường hoặc rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần kết hợp nhiều giải pháp

Góp ý cho giải pháp bình ổn thị trường, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy cho biết: Để giải quyết được vấn đề này, trước mắt Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ về thuế, chính sách cắt giảm thuế tạm thời cho doanh nghiệp để họ yên tâm vận hành. Thời điểm này, phía quản lý nhà nước có thể ghi nhận doanh nghiệp lỗ, sau đó sẽ có cơ chế để doanh nghiệp có lãi trở lại, bù vào phần lỗ hiện nay.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong những thập niên tới. Lý giải cho đề xuất này, ông Huy đưa ra mô hình cung ứng xăng dầu hiện nay của Việt Nam đang chia làm 3 phần. Thứ nhất là phần thượng nguồn, khai thác dầu khí tại thềm lục địa. Thứ hai là trung nguồn như đường ống, bồn bể chứa. Thứ ba là hạ nguồn, gồm hệ thống vận chuyển phân phối bán lẻ.

>>Bất ổn thị trường xăng dầu: Sớm gỡ “nút thắt” về… chi phí

Giá dầu thô thay đổi liên tục khiến cho các sản phẩm xăng dầu cũng bị ảnh hưởng

Giá dầu thô thay đổi liên tục khiến cho các sản phẩm xăng dầu cũng bị ảnh hưởng

Về giải pháp bể chứa, ông Huy đề xuất, cần xây dựng bể chứa ngầm lớn và tích trữ dự phòng lúc xăng dầu còn giá rẻ, để đến lúc khan hiểm hoặc thị trường gián đoạn thì mang ra sử dụng để bình ổn giá cả trong nước. Chẳng hạn phần trung nguồn, hiện nay 80% lượng xăng dầu nhập khẩu bơm vào các bồn chứa, đường ống. Các bồn chứa xăng dầu trên cả nước hiện nay có sức chứa ước tính chỉ sử dụng trong vòng 7-10 ngày.

"Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác như Hàn Quốc đã cho xây dựng nhiều kho dữ trữ ngầm dưới lòng đất trong một thời gian dài, khi nguồn cung thế giới ảnh hưởng hoặc có chiến tranh, họ có thể tự cung cấp tới 3-4 tháng cho các nhà máy lọc dầu trong nước để duy trì sản xuất ổn định trong thị trường nội địa. Hoặc Thái Lan có bể chứa xăng dầu dự trữ lên đến 60 ngày để cung ứng ra thị trường. Để ổn định chuổi cung ứng sản xuất toàn cầu, mới đây, tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc đã hoàn thành và đưa vào vận hành kho chứa ngầm sâu 200m với công suất 240.000 tấn LPG ở cảng Cái Mép", ông Huy nêu dẫn chứng.

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam chưa có kho dự trữ năng lượng đủ lớn, chưa có đủ kho xăng dự trữ quốc gia. Vì thế, các công ty xăng dầu nhập về bán trong ngắn ngày nên bị động liên tục do biến động giá xăng dầu thế giới. Với một thế giới đầy bất ổn như hiện nay, giá dầu thô thay đổi liên tục khiến cho các sản phẩm xăng dầu cũng bị ảnh hưởng liên tục.

Về chiến lược dài hạn, cần phải có kho dự trữ an ninh năng lượng để Chính phủ có công cụ điều tiết bình ổn giá cả thị trường, chứ không thể theo đuổi các giải pháp ngắn hạn mang đầy rủi ro như hiện nay. Muốn phát triển kinh tế bền vững, trước nhất phải có giải pháp dự trữ năng lượng, từng bước có kế hoạch tăng dự trữ bắt buộc theo nhu cầu phát triển kinh tế. Chính phủ cần phải có kế hoạch sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu hợp lý bằng cách đầu tư xây dựng kho lưu trữ, đường ống, bồn bể chứa lớn, sâu dưới lòng đất để bảo đảm an toàn, ít hao hụt, đủ sức chứa phục vụ nhu cầu nội địa.

Tập hợp đề xuất để đưa ra giải pháp về vấn đề này, mới đây tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương liên quan tình hình cung ứng xăng dầu vào ngày 14-10, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết trong thời điểm khó khăn nhất, TP.HCM có 137/550 cây xăng ngưng phục vụ do hết xăng, dẫn đến rối loạn thị trường. Mặc dù đã huy động một số giải pháp trước mắt nhưng, đến 11h ngày 14-10, vẫn còn 44 cửa hàng thiếu xăng, đang chờ cung cấp bổ sung.

Chỉ ra lý do khiến TP.H CM gặp khó trong cung ứng xăng dầu, ông Vũ cho biết, do chỉ có 35-40% doanh nghiệp có vốn nhà nước, còn lại là các doanh nghiệp tư nhân không tham gia cả công đoạn nhập khẩu, phân phối, bán lẻ mà chỉ tham gia từng công đoạn. 

Điển hình có các doanh nghiệp như Petrolimex, PVOIL, Saigon Petro… mới có thể chia sẻ trách nhiệm, chi phí nhập khẩu để phân phối cho hệ thống bán lẻ của mình. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng… dẫn đến doanh nghiệp giảm nhập khẩu, giảm nguồn cung. 

Trước những khó khăn trên, đại diện Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị nới room tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu để có thể tăng nhập, đảm bảo nguồn cung. Đề cập đến đề xuất chiết khấu cho bán lẻ, ông Vũ kiến nghị cần tính toán phân bổ chi phí, đảm bảo lợi ích hài hòa trong chuỗi cung ứng xăng dầu.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp ổn định thị trường và tăng nguồn cung xăng dầu, trong đó đã yêu cầu hai nhà máy lọc dầu trong nước tăng công suất tối đa cho phép. 

Cũng theo ông Hải, chi phí nhập xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh, song chi phí nhập khẩu về vẫn tăng rất cao, nên bộ tiếp tục báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết cho doanh nghiệp. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần khơi thông trách nhiệm!

    Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần khơi thông trách nhiệm!

    10:32, 15/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần tính toán xây dựng lại bộ máy nhập khẩu, phân phối

    Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần tính toán xây dựng lại bộ máy nhập khẩu, phân phối

    12:00, 14/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?

    Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?

    04:00, 13/10/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu - Vì đâu nên nỗi?

    Bất ổn thị trường xăng dầu - Vì đâu nên nỗi?

    15:00, 08/09/2022

  • Rà soát, sửa đổi quy định về xăng dầu

    Rà soát, sửa đổi quy định về xăng dầu

    08:29, 15/10/2022

  • Khan hiếm xăng dầu tại TP.HCM: Lỗi tại chính sách giá?

    Khan hiếm xăng dầu tại TP.HCM: Lỗi tại chính sách giá?

    04:44, 14/10/2022

PHƯƠNG THANH