Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi): Nhiều thay đổi tích cực
Sau hơn 11 năm thi hành, Luật khám, chữa bệnh đã bộc lộ nhiều bất cập, cùng những phát sinh trong thực tiễn mà chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết…
>>Sửa Luật Thanh tra: Khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra
Theo đó, Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này với nhiều thay đổi tích cực, tác động trực tiếp đến từng người bệnh và nhân viên y tế. Trước đó, Bộ Y tế đã rà soát, tổng kết, đánh giá quá trình thi hành Luật khám chữa bệnh (KCB) và nghiên cứu hệ thống pháp luật KCB của một số nước, từ đó, xây dựng nội dung dự án Luật KCB (sửa đổi). Ngày 4/4/ 2022, Chính phủ đã họp thông qua dự Luật này.
Hiện nay, đang có rất nhiều người tham gia trực tiếp vào quá trình KCB, như cử nhân dinh dưỡng, cử nhân tâm lý trị liệu; hay cử nhân sinh học làm kỹ thuật viên xét nghiệm, nhiều chức danh chuyên môn làm việc tại cơ sở y tế, nhưng lại không được cấp chứng chỉ hành nghề. Nguyên nhân của bất cập trên là Luật KCB 2009 quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn, khiến các cơ sở y tế gặp khó khăn trong quá trình KCB và thanh quyết toán bảo hiểm y tế (BHYT).
Bởi trên thực tế, không có sự thống nhất giữa cách ghi ngành đào tạo trong văn bằng chuyên môn, hoặc một số văn bằng chuyên môn ghi ngành đào tạo lại không có trong đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề mà Luật quy định, dẫn đến nhiều người dù đang làm việc trong cơ sở KCB và là đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng lại không được cấp chứng chỉ hành nghề, như những ví dụ nêu trên.
Đặc biệt, đa số các nước đều cấp giấy phép hành nghề dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề, thì Luật khám, chữa bệnh năm 2009 lại quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên văn bằng chuyên môn, là không phù hợp. Bởi thực tế, văn bằng không đánh giá được thực chất năng lực người hành nghề và chất lượng đào tạo.
Hiện, ở nhiều phòng khám, bệnh viện tư vẫn diễn ra tình trạng bác sĩ khám bệnh, kê đơn là người nước ngoài có người phiên dịch để trao đổi với bệnh nhân. Thực tế cho thấy điều này dẫn đến bác sĩ người nước ngoài không thể khai thác tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu lâm sàng, việc ghi chép hồ sơ bệnh án, kê đơn … do bất đồng ngôn ngữ giữa người hành nghề, người phiên dịch và người bệnh.
>>Sửa Luật Dược để khắc phục tình trạng thiếu thuốc trong khám, chữa bệnh
Đáng nói nữa là sau khi người nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hành nghề, thì người phiên dịch không làm việc, hoặc lợi dụng vị trí để hành nghề trái phép. Bên cạnh đó, việc sử dụng người phiên dịch cũng tạo ra bất cập trong việc xác định trách nhiệm pháp lý khi xảy ra sự cố y khoa do khó có thể xác định nguyên nhân gây ra sự cố do chỉ định của người hành nghề hay lỗi tại người phiên dịch...Mà, tất cả những điều này, đều làm tổn hại đến quyền lợi của người bệnh.
Xảy ra hàng loạt vấn đề này bởi Luật KCB 2009 cho phép người hành nghề là người nước ngoài sử dụng phiên dịch.
Điển hình như tại Bệnh viện Việt Đức từng phải tiếp nhận nhiều ca phẫu thuật không thành công ở bệnh viện tuyến tỉnh gửi về, dù các bác sĩ đều đã được đào tạo chính quy, nhưng lại không cập nhật kỹ thuật mới. Từ hàng loạt sự cố này, GS. TS. Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cho rằng, bác sĩ cần phải được đào tạo lại liên tục, để nâng cao tay nghề, bởi nghề y là nghề đòi hỏi phải liên tục cập nhật những tiến bộ khoa học.
Tuy nhiên, Luật KCB năm 2009 lại quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề có giá trị vĩnh viễn, nên không buộc những người hành nghề y phải thường xuyên cập nhật kiến thức y khoa, nâng cao tay nghề,
Việc không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề đã gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát quản lý chất lượng hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề.
Đặc biệt, các nước trên thế giới đều quy định giấy phép hành nghề có thời hạn, nên quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế và gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với quốc tế về KCB.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB Bộ Y tế - với tinh thần "lấy người bệnh làm trung tâm", dự thảo Luật KCB (sửa đổi) sẽ giải quyết căn cơ các vướng mắc trên.
Một thay đổi rất quan trọng của Luật KCB (sửa đổi) là về quản lý người hành nghề. Luật mới sẽ bỏ quy định đối tượng theo văn bằng chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề như Luật năm 2009 và thay thế bằng quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề. Bắt buộc phải đăng ký hành nghề trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động KCB.
Quy định nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề được chú trọng. Trước khi cấp giấy phép hành nghề, các chức danh sau đều phải được kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề: Bác sỹ, Y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y, Dinh dưỡng, Cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic). Riêng với lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp giấy phép hành nghề dựa vào hồ sơ.
Đặc biệt, thay vì cấp chứng chỉ hành nghề có giá trị vĩnh viễn, Luật KCB (sửa đổi) quy định người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề. Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm với điều kiện được gia hạn là phải cập nhật kiến thức y khoa đi kèm với yêu cầu đủ sức khỏe và không bị cấm hành nghề.
Sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, nếu người hành nghề đạt đủ số điểm theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề, còn nếu không, sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.
Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam sẽ chấm dứt cấp giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sỹ, nhưng vẫn cho phép các y sỹ đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2009 tiếp tục hành nghề trọn đời; lực lượng vũ trang tiếp tục được tuyển dụng, sử dụng y sỹ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Một thay đổi rất đáng quan tâm của Luật KCB (sửa đổi) là không cho phép người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và KCB cho người Việt Nam sử dụng phiên dịch như trước, mà bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong KCB, trừ trường hợp KCB cho người có cùng ngôn ngữ, KCB nhân đạo, đào tạo thực hành, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm