Sửa Luật Giao dịch điện tử: Cân nhắc phạm vi điều chỉnh
Bên cạnh những mặt tích cực, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tập trung cân nhắc về phạm vi điều chỉnh…
>> Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số
Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005, trong 17 năm triển khai thực hiện, hiện có 141 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực liên quan đến Luật Giao dịch điện tử 2005, bao gồm: 26 Luật, 29 Nghị định, 57 Thông tư, 29 Quyết định các cấp và 9 Điều ước quốc tế (6 Hiệp định, 3 Công ước). Tuy nhiên, trong những năm qua, việc thực thi luật đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế, nhiều quy định vẫn còn chồng chéo nhau.
Việc sửa Luật Giao dịch điện tử được cho sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia…
Cụ thể, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 Chương và 57 Điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP như: sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh; chính sách về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chính sách về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chính sách về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; sửa đổi quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và về dữ liệu và dữ liệu số; sửa đổi quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử.
Những sửa đổi, bổ sung đã nêu được đánh giá đã chi tiết hoá cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, bổ sung quy định điều kiện đảm bảo giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại.
Đáng nói, Dự thảo Luật sửa đổi đã bỏ loại trừ của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng, việc mở rộng này dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và bổ sung quy định pháp lý về dịch vụ tin cậy trong Luật. Cùng với việc loại trừ, tại Điều 1 về phạm vi áp dụng cũng bổ sung 1 khoản quy định rõ: “Luật này không quy định về nội dung của các giao dịch. Luật khác quy định giao dịch không thực hiện bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó”.
>> Sửa Luật Giao dịch điện tử: Gỡ “nút thắt” cho hoạt động ngân hàng
Như vậy, việc mở rộng cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc. Các lĩnh vực chưa phù hợp áp dụng giao dịch bằng phương tiện điện tử theo quy định của luật chuyên ngành liên quan thì áp dụng theo quy định tại luật đó…
Thẩm tra dự án luật, mặc dù Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã cơ bản tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh giao dịch điện đối với nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nên hạn chế phạm vi mở rộng vì sẽ tạo thêm áp lực đối với nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin. Khi việc thực hiện giao dịch điện tử trong các lĩnh vực được mở rộng, đặc biệt như lĩnh vực đất đai, thừa kế hiện nay vẫn có nhiều nước chưa áp dụng… việc cấp trực tiếp một số giấy tờ như đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn… thông qua mạng có thể không thể hiện được ý chí của các bên liên quan khi tham gia giao dịch.
Ngoài ra, một số giấy tờ sử dụng trong giao dịch điện tử được quy định trong Dự thảo Luật mang thông tin liên quan đến “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình” có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt, vi phạm Hiến pháp (Điều 21 của Hiến pháp năm 2013).
Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, đồng thời nghiên cứu chỉnh sửa cho rõ ràng, hợp lý hơn.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử, Ủy ban này cho rằng, để bảo đảm tính bảo mật, xác thực cho các giao dịch điện tử phục vụ mục đích công vụ cũng như bảo đảm sự an toàn thông tin dùng mật mã của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 7 của Dự thảo Luật về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo mật, an toàn thông tin dùng mật mã, dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Đồng thời, về chữ ký điện tử, đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề. Bởi hiện nay, cùng với việc sử dụng chữ ký điện tử đang tồn tại một số biện pháp xác thực khác như tin nhắn điện tử (SMS), xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), Token OTP, sinh trắc học (eKYC)... Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực này với vai trò như là chữ ký điện tử.
Cùng với đó, quy định các tiêu chuẩn cụ thể tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký điện tử để người dân và cơ quan Nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.
Có thể bạn quan tâm
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cần tính toán kỹ để đảm bảo khả thi
00:06, 24/10/2022
Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số
04:00, 11/10/2022
Sửa Luật Giao dịch điện tử: Gỡ “nút thắt” cho hoạt động ngân hàng
04:00, 06/10/2022
Cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm trong giao dịch điện tử
04:00, 05/10/2022
Thật giả lẫn lộn trong giao dịch điện tử
03:38, 21/09/2022