Trái phiếu doanh nghiệp: "Vướng mắc" từ Nghị định 65/2022
Dù được đánh giá cao trong việc lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau những “lùm xùm”, thế nhưng, quá trình áp dụng thực tiễn, Nghị định 65/2022 lại đang cho thấy nhiều vướng mắc…
>> Lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Chính phủ nới room tín dụng và hỗ trợ trái phiếu doanh nghiệp
Theo đó, sau hàng loạt những “lùm xùm” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp xảy ra tại một số tập đoàn, công ty, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022 thay thế cho Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Những thay đổi chung của Nghị định 65/2022 hầu hết được cho là cần thiết, khi yêu cầu chuẩn hóa lại điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, hướng đến nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức, và đặc biệt là siết lại tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia sở hữu trái phiếu phát hành riêng lẻ… Tuy nhiên, quá trình áp dụng vào thực tiễn, Nghị định này đã và đang cho thấy những vướng mắc, tạo áp lực lên hoạt động của các doanh nghiệp trong việc huy động nguồn vốn từ trái phiếu.
Thực tế, sau khi Nghị định 65/2022 có hiệu lực, trong tháng 10 chỉ có một đợt phát hành thành công, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng suy giảm mạnh khi lượng phát hành giảm 25% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm, trong khi giá trị mua lại tăng 50%, lên 152.500 tỷ đồng.
Và trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thì Nghị định 65/2022 cũng là một trong những nguyên nhân đang gây khó cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
Nhóm phân tích của FiinRatings chỉ rõ, Nghị định 65/2022 hiện nay còn nhiều vướng mắc liên quan đến hoạt động sơ cấp phát hành. Chẳng hạn như cho phép phát hành với mục đích để tái cơ cấu nợ, nhưng giới hạn mục đích sử dụng vốn trái phiếu theo các chương trình, dự án cụ thể nêu trong phương án phát hành. Đây được cho là một trở ngại cho doanh nghiệp chủ động trong công tác quản trị và điều chuyển vốn nội bộ.
Bên cạnh đó, tính khả thi của yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ định kỳ 6 tháng, hàng năm cũng là một vấn đề cần được làm rõ.
>> 2 vấn đề để “khơi thông” trái phiếu doanh nghiệp
Ngoài những vấn đề đã nêu, liên quan đến những vướng mắc trong thực thi Nghị định 65/2022, một số chuyên gia cũng cho rằng, đối với quy định doanh nghiệp không được thay đổi mục đích sử dụng khoản vốn phát hành trái phiếu có thể dẫn tới lãng phí nguồn lực, tính linh hoạt sử dụng vốn kém đi. Chẳng hạn, ban đầu, doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích đầu tư vào dự án A, nhưng trong quá trình triển khai có thể thay đổi hoặc thấy một cơ hội đầu tư khác tốt hơn. Trong trường hợp này, nên cho phép doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông xin ý kiến các trái chủ, nếu biểu quyết mà các trái chủ đồng ý thì thực hiện chuyển đổi và báo cáo cơ quan chức năng, còn nếu các trái chủ không đồng ý thì phải thực hiện theo dự án cũ.
Theo các chuyên gia, việc kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hết sức cần thiết và Chính phủ đang thực hiện những giải pháp căn cơ quan trọng. Nhưng những “tác dụng phụ” của Nghị định 65/2022 cũng cần có những điều chỉnh để hạn chế các tác động tiêu cực lên thị trường tài chính và ổn định vĩ mô vốn chịu nhiều sức ép trong thời gian gần đây.
Chẳng hạn, thay vì buộc các doanh nghiệp phát hành mua lại trước hạn các trái phiếu doanh nghiệp có sai sót trong quá trình phát hành thì các cơ quan chức năng nên làm rõ, nếu các sai sót không nghiêm trọng (không có yếu tố hình sự), về bản chất việc phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp là hoạt động dân sự. Do vậy, nên để tổ chức phát hành và nhà đầu tư có thể thỏa thuận điều chỉnh mục đích phát hành, các điều kiện khác,… để giao dịch đó vẫn tiếp diễn phụ thuộc vào ý chí của hai bên.
Mới đây, trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng vừa có văn bản gửi tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị tháo gỡ một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 65/2022 của Chính phủ và tăng room tín dụng.
Theo đó, với Nghị đinh 65/2022 của Chính phủ, văn bản của HoREA đề nghi Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi, cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định thông qua ủy thác từ công ty chứng khoán, đại lý phát hành có năng lực bằng các hợp đồng thương mại. Nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định.
Được biết, trong tuần qua, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức cuộc họp lắng nghe các thành viên tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sau cuộc họp, thông tin từ cơ quan này cho biết, Bộ sẽ rà soát khung pháp lý kể cả Nghị định 65/2022, cũng như ghi nhận những góp ý của các doanh nghiệp về trạng thái thị trường hiện nay.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu phải xem xét lại Nghị định này nếu cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Chính phủ nới room tín dụng và hỗ trợ trái phiếu doanh nghiệp
19:00, 27/11/2022
Nhiều điểm sáng nâng đỡ trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư thiệt lớn nếu bán tháo
18:00, 25/11/2022
2 vấn đề để “khơi thông” trái phiếu doanh nghiệp
12:00, 19/11/2022
SCB mở điểm tiếp nhận thông tin liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp
04:00, 16/11/2022
Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:00, 13/11/2022