Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân
Để giảm gánh nặng cho người nộp thuế, giúp cải thiện chất lượng đời sống, kích cầu tiêu dùng nội địa,… chuyên gia cho rằng, cần sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân…
>> Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Theo đó, bản chất của chính sách thuế là điều tiết từ những người có thu nhập cao để hạn chế tối đa bất cân xứng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, củng cố nguồn thu ngân sách để thực hiện nghĩa vụ công. Thế nhưng, cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện hành lại chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Cụ thể, pháp luật thuế thu nhập cá nhân quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Các chuyên gia cho rằng, với quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh là mức chung cho tất cả người nộp thuế ở cả thành thị và nông thôn, nơi có mức chi tiêu chênh lệch rất lớn. Đồng thời, mức giảm trừ biến động theo chỉ số CPI chưa thể phản ánh đầy đủ biến động giá sinh hoạt của người dân.
Thực tế, theo Numbeo (https://www.numbeo.com) - cơ sở dữ liệu dành cho người dùng trên toàn thế giới, chi phí sinh hoạt hàng tháng (chưa bao gồm chi phí thuê nhà) tại thời điểm tháng 10/2022 của 1 người ở Việt Nam là khoảng 10,8 triệu đồng/tháng và của 1 gia đình 4 người là khoảng 38,5 triệu đồng/tháng. Nhưng, tổng giảm trừ gia cảnh cho mục đích tính thuế với một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con của Việt Nam chỉ 30,8 triệu đồng/tháng.
Chưa kể, mức giảm trừ gia cảnh cũng thường được cố định trong một khoảng thời gian dài, trong khi, chi phí của người dân có xu hướng tăng qua các năm.
>> Cần xem xét thay đổi toàn diện quy định về thuế thu nhập cá nhân
Vì vậy, theo các chuyên gia, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012 quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là khá chậm trễ và không phản ánh kịp thực tế, tạo gánh nặng giá cả lên người nộp thuế.
Theo đó, thay vì chỉ dựa trên chỉ số CPI, các chuyên gia cho rằng, thuế thu nhập cá nhân có thể tính theo mức tiền lương tối thiểu vùng, ví dụ như: mức bắt đầu chịu thuế là bằng 4 - 5 lần mức tiền lương tối thiểu vùng; khi mức lương này thay đổi thì chính sách cho người nộp thuế cũng điều chỉnh theo. Điều này sẽ bảo đảm công bằng về chi phí cuộc sống giữa các vùng miền và có cơ sở pháp lý chặt chẽ để thuận lợi trong quá trình triển khai.
Không chỉ có vậy, về lâu dài, nên sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng mở như: cho phép Chính phủ được quyết tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI có biến động tăng 5 - 10%, thay vì phải đợi biến động đến 20% và trình Quốc hội xem xét. Quy trình này khiến quyết định được đưa vào cuộc sống có độ trễ lớn, gây thiệt thòi cho người đóng thuế.
Cùng với những đề xuất đã nên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc điều chỉnh chính sách cần được triển khai càng sớm càng tốt, thậm chí, ngay trong năm nay, Bộ Tài chính cần đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Bởi, làm như vậy, không chỉ giúp người dân cải thiện chất lượng đời sống, kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tiêu thụ sản phẩm, mà còn tạo động lực cho phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hơn thế, với việc sửa đổi, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế cuộc sống sẽ giúp chính sách về thuế thu nhập cá nhân hoàn chỉnh, ổn định, tiên tiến, đáp ứng mong đợi của cộng đồng người nộp thuế và doanh nghiệp.
Ngoài những vấn đề đã nêu, theo quy định, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có doanh thu trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngưỡng 100 triệu đồng đang thấp hơn cả mức giảm trừ gia cảnh một năm của người nộp thuế bình thường, dẫn đến thu nhập cá nhân nhận được có thể chưa đủ để nuôi sống bản thân và gia đình nhưng đã phải đóng thuế, đồng thời tạo ra sự không công bằng giữa cá nhân có thu nhập chính từ tiền lương, tiền công và cá nhân có thu nhập chính từ kinh doanh, vì vậy, cần xem xét sửa đổi.
Nêu quan điểm cần điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân nhằm điều tiết thu nhập công bằng, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, nên sớm nghiên cứu, điều chỉnh chính sách thuế này cho phù hợp với những biến động của tình hình kinh tế, xã hội.
Thuế thu nhập cá nhân không chỉ mang lại nguồn thu lớn của ngân sách, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người dân, tác động lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh và chi tiêu xã hội, vì vậy, hầu hết các ý kiến đều mong muốn, các quy định liên quan đến chính sách thuế này sẽ sớm được đưa ra xem xét, sửa đổi.
Được biết, từ đầu năm 2018, trong văn bản lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận, một số quy định trong luật hiện hành chưa phù hợp thực tế, cần được sửa đổi... Tuy nhiên, cho đến nay, dù những bất cập vẫn tiếp tục tồn tại, tạo gánh nặng cho người nộp thuế, gây bức xúc dư luận, nhưng việc sửa đổi vẫn được lên lịch theo kế hoạch, trong năm 2023 - 2025, Bộ sẽ hoàn thiện dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) để trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua và ban hành luật sửa đổi vào năm 2025.
Có thể bạn quan tâm
Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
03:50, 28/11/2022
Cần xem xét thay đổi toàn diện quy định về thuế thu nhập cá nhân
04:00, 26/11/2022
Đưa Luật thuế thu nhập cá nhân về đúng bản chất
05:30, 11/10/2022
Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân sát với thực tiễn
04:53, 07/10/2022
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Tránh trường hợp thua lỗ vẫn phải nộp thuế
04:00, 15/08/2022