VLA tin tưởng ngành logistics Việt Nam sẽ có bước tiến mới
Từ 1/12, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động ngành logistics. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tin tưởng ngành này sẽ có bước tiến mới.
Nhiệm vụ này của Bộ Công Thương được căn cứ theo Nhiệm vụ số 53 về “kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics” của Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là kết quả sau nhiều lần Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) kiên trì kiến nghị cần phải có một cơ quan quản lý nhà Nước thống nhất về ngành logistics. Lần gần đây nhất là báo cáo tại Diễn đàn logistics Việt Nam ngày 26/11/2022; Và trước đó là vào ngày 05/8/2022, tại Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Phó Chủ tịch Thường trực Đào Trọng Khoa đã thay mặt Hiệp hội VLA báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.
Nghị định số 96/2022/NĐ-CP (Nghị định 96) được ban hành ngày 29/11/2022, quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Theo điểm a và b khoản 16 Điều 2 của Nghị định này, Bộ Công Thương được phân công nhiệm vụ “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Điều phối, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội phát triển dịch vụ logistics”. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022 - chỉ sau 02 ngày kể từ ngày ký và là ngày đầu tiên của tháng cuối cùng trong một năm đầy sôi động với ngành dịch vụ logistics và kinh tế Việt Nam.
Cùng với sự nỗ lực của Hiệp hội VLA, thời gian qua, Cục Xuất Nhập Khẩu - Bộ Công Thương cũng luôn đồng hành, lắng nghe, đề cao ý kiến của Hiệp hội VLA trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của hoạt động của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Hơn ai hết, Cục Xuất Nhập Khẩu - Bộ Công Thương hiểu tính cấp thiết và quan trọng của việc có một cơ quan Nhà nước chuyên trách quản lý để kịp thời nắm bắt, hoạch định những chiến lược phát triển phù hợp với thực tiễn thúc đẩy phát triển ngành.
Với Nghị định 96, VLA tin tưởng rằng ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới thông qua sự quản lý, dẫn dắt của bộ Công Thương. VLA cũng hy vọng, Đại hội thường niên của Liên đoàn Giao nhận Vận tải thế giới năm 2025 (FIATA World Congress 2025) tổ chức tại Việt Nam mà VLA đã nỗ lực thành công sau nhiều năm tham gia giành quyền đăng cai sẽ góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ logistics nói riêng và thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế của Việt Nam nói chung. Cũng với Nghị định 96, hiệp hội logistics liên vùng sẽ sớm được thành lập với sự giúp đỡ của VLA vừa qua như đã từng hỗ trợ hình thành hiệp hội địa phương gần đây.
Có thể bạn quan tâm